Bệnh tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ, mà còn gây nguy hại đến sự phát triển của thai nhi. Nếu chẳng may bị tình trạng này, bạn cần được điều trị nhanh chóng để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe có thể xảy đến với bản thân và thai nhi. Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ LÀ GÌ?
Định nghĩa đái tháo đường thai kỳ (tiểu đường thai kỳ) là bất kỳ mức độ không dung nạp glucose nào khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu trong thai kỳ.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ:
- Thừa cân, béo phì.
- Tiền sử gia đình: có người bị mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là người mắc tiểu đường thế hệ thứ nhất.
- Tiền sử sinh con >= 4000g.
- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính.
- Tuổi tác: từ 35 tuổi trở lên là yếu tố có nguy cơ cao.
- Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non, thai dị tật.
- Chủng tộc: Châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Tăng trưởng quá mức và thai to
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt sẽ khiến lượng đường trong máu của bé tăng cao. Việc tăng chuyển glucose từ mẹ vào thai làm cho thai nhi tăng trưởng quá mức. Lượng glucose này đã kích thích tụy của thai nhi bài tiết insulin, làm tăng nhu cầu năng lượng của thai nhi, kích thích thai phát triển.
Ngoài việc gây khó chịu cho người phụ nữ trong những tháng cuối của thai kỳ, em bé quá lớn có thể dẫn đến những vấn đề trong quá trình sinh nở cho cả mẹ và bé. Người mẹ có thể cần phải sinh mổ và em bé sinh ra có thể bị tổn thương dây thần kinh do áp lực đè lên vai trong quá trình sinh nở. Khi em bé được sinh mổ, người phụ nữ sẽ mất nhiều thời gian hơn để hồi phục sau khi sinh.
Huyết áp cao (Tiền sản giật)
Khi phụ nữ mang thai bị huyết áp cao, có protein trong nước tiểu và thường xuyên bị sưng tấy ở ngón tay, ngón chân mà không khỏi thì có thể mẹ bị tiền sản giật. Đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ và quản lý. Huyết áp cao có thể gây hại cho cả người mẹ và thai nhi. Nó có thể dẫn đến việc em bé bị sinh non và cũng có thể gây co giật hoặc đột quỵ (cục máu đông hoặc chảy máu não có thể dẫn đến tổn thương não) ở người nữ khi chuyển dạ và sinh nở. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường bị huyết áp cao thường xuyên hơn phụ nữ không mắc bệnh tiểu đường.
Lượng đường trong máu thấp (Hạ đường huyết)
Những người mắc bệnh tiểu đường dùng insulin hoặc các loại thuốc trị tiểu đường khác có thể khiến lượng đường trong máu xuống quá thấp. Lượng đường trong máu thấp có thể rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị nhanh chóng. Nếu người phụ nữ được theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và điều trị sớm có thể tránh được tình trạng lượng đường trong máu bị thấp nghiêm trọng.
Nếu bệnh tiểu đường của phụ nữ không được kiểm soát tốt trong thời kỳ mang thai, con của họ có thể bị hạ đường huyết rất nhanh sau khi sinh. Lượng đường trong máu của em bé phải được theo dõi trong vài giờ sau khi sinh.
Bệnh lý đường hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp
Trước đây, hội chứng nguy kịch hô hấp ở trẻ sơ sinh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chiếm tỷ lệ 30% ở trẻ sơ sinh của các thai kỳ có đái tháo đường. Hiện nay, tỷ lệ này còn khoảng 10% nhờ có các phương tiện đánh giá độ trưởng thành phổi của thai nhi.
Các nguy cơ khác
- Thai chết lưu
- Sẩy thai
- Thai dị tật
- Trẻ có thể tử vong ngay sau sinh.
- Tăng hồng cầu: là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh của các thai phụ có tiểu đường thai kỳ.
- Vàng da sơ sinh.
Các ảnh hưởng về lâu dài
- Gia tăng tần suất trẻ béo phì.
- Khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh đái tháo đường type 2.
- Rối loạn tâm thần – vận động.
- Trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng gấp 8 lần khi đến 19-27 tuổi.
PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu của thai phụ. Thông thường, thai phụ sẽ được tầm soát thường quy bằng nghiệm pháp dung nạp glucose trong khoảng thời gian từ tuần thứ 24-28 của thai kỳ.
PHÒNG TRÁNH TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ
Lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe
Chế độ ăn phải đáp ứng 2 yêu cầu:
- Duy trì lượng đường trong máu ở giới hạn an toàn.
- Đồng thời, cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ bằng cách dung nạp lượng calo vừa đủ.
Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục là một cách khác để kiểm soát lượng đường trong máu. Nó giúp cân bằng lượng thức ăn nạp vào. Sau khi kiểm tra với bác sĩ, bạn có thể tập thể dục thường xuyên trong và sau khi mang thai. Dành ít nhất 30 phút/ngày cho hoạt động thể chất với cường độ vừa phải.
Theo dõi lượng đường trong máu
Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên là điều cần thiết. Bởi mang thai khiến nhu cầu năng lượng của cơ thể thay đổi nên lượng đường trong máu có thể thay đổi rất nhanh. Vì thế, hãy kiểm tra lượng đường trong máu của bạn thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Dùng insulin nếu cần
Đôi khi có những phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kỳ phải dùng insulin. Nếu bác sĩ có chỉ định dùng insulin, hãy dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Kiểm tra bệnh tiểu đường sau khi mang thai
Hãy xét nghiệm bệnh tiểu đường từ 6-12 tuần sau khi sinh con và sau đó cứ 1-3 năm một lần. Đối với hầu hết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, bệnh tiểu đường sẽ biến mất ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, 50% số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ phát triển bệnh tiểu đường type 2 sau đó. Chính vì thế, sau khi sinh con, bạn vẫn cần duy trì chế độ tập thể dục và ăn uống dinh dưỡng lành mạnh để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Đồng thời nên kiểm tra lượng đường trong máu hoặc khám tầm soát tiểu đường sau mỗi 1-3 năm.
Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về tiểu đường thai kỳ. Qua đó, hy vọng chị em phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông. Liên hệ đến chúng tôi để được giải đáp thắc mắc, đặt lịch khám và chăm sóc thai kỳ.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đặt lịch khám TẠI ĐÂY
Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com