Tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai là “lá chắn kép” giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt 9 tháng thai kỳ. Vắc xin sẽ giúp ngăn chặn các nguy cơ biến chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai, cũng như ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu về các vắc xin cần tiêm cho phụ nữ mang thai qua bài viết dưới đây.
CÓ NÊN TIÊM VẮC XIN CHO BÀ BẦU KHÔNG?
Trong thời gian mang thai, cơ thể của người mẹ rất nhạy cảm và sẽ tự điều chỉnh miễn dịch xuống mức thấp nhất để tránh các phản ứng đào thải thai nhi, cũng như giúp nuôi dưỡng thai nhi được tốt hơn. Bởi vì phải nuôi dưỡng hai cơ thể cùng lúc cho nên thai phụ sẽ rất yếu ớt, dễ bị lây nhiễm virus, vi khuẩn, tăng nguy cơ diễn tiến nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Bất cứ dấu hiệu bất thường nào của mẹ đều có thể gây dị tật thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Chính vì vậy, việc tiêm phòng vắc xin cho phụ nữ mang thai là hoàn toàn cần thiết.
KHÔNG TIÊM PHÒNG KHI MANG THAI CÓ SAO KHÔNG?
Nếu vì lý do nào đó mà mẹ bầu không tiêm phòng vắc xin có thể dẫn đến việc dễ dàng mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Một khi mắc các bệnh truyền nhiễm thì thai nhi cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao, thậm chí có thể khiến cho bào thai bị dị tật bẩm sinh, ngừng phát triển, chết lưu,… Các bệnh truyền nhiễm mẹ bầu có khả năng mắc phải bao gồm:
- Bệnh bạch hầu: Có thể xảy ra với mẹ bầu trong 3 tháng cuối của thai kỳ hoặc giai đoạn sau sinh. Một khi mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ tử vong đối với sản phụ là rất cao ước tính khoảng 50%. Trong trường hợp sống sót, thai phụ có thể dễ bị sảy thai hoặc sinh non.
- Bệnh cúm: Mẹ bầu bị cúm có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp và có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là trong trường hợp người mẹ bị cảm cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
- Bệnh uốn ván: Ở bà bầu, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh em bé theo đường sinh dục và gây uốn ván tử cung. Đối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn uốn ván sẽ dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và buộc dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván sơ sinh. Một khi các vi khuẩn uốn ván tấn công vào cơ thể, chúng sẽ sản xuất ra một loại độc tố và đi vào máu. Độc tố này sẽ khiến trẻ bị suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Vì thế, tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai sẽ giúp tạo kháng thể cho cả mẹ và bé.
- Bệnh ho gà: Đối tượng thường bị ho gà tấn công chính là trẻ em dưới 1 tuổi chưa được tiêm ngừa vắc xin ho gà. Bệnh có thể khiến trẻ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, người mẹ cần tiêm vắc xin trong giai đoạn mang thai để bảo vệ bé khỏi bệnh ho gà trong những tháng đầu đời.
CÁC VẮC XIN CẦN TIÊM CHO PHỤ NỮ MANG THAI
Dưới đây là các vắc xin cần tiêm cho phụ nữ mang thai để tránh những rủi ro cho thai kỳ:
Vắc xin cúm
Tiêm vắc xin cúm là biện pháp hiệu quả cho mẹ và thai nhi, giảm nguy cơ diễn tiến nặng các bệnh đang mắc, tránh đồng nhiễm virus, vi khuẩn; vừa tạo miễn dịch thụ động bảo vệ trẻ sau sinh trong 6 tháng đầu đời khi trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin cúm. Trong trường hợp đã mang thai nhưng vẫn chưa tiêm vắc xin ngừa cúm, chị em vẫn có thể tiêm vắc xin trong giai đoạn mang thai, tốt nhất là từ 3 tháng giữa thai kỳ để có kháng thể phòng bệnh cho cả mẹ và bé.
Vắc xin uốn ván
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cực kỳ nguy hiểm cho phụ nữ và trẻ sơ sinh với tỷ lệ tử vong lên tới 95%. Do đó, tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu là biện pháp quan trọng và hữu hiệu để phòng bệnh uốn ván sơ sinh. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ đang mang thai cần được tiêm vắc xin phòng uốn ván đầy đủ, đúng lịch.
Vắc xin ho gà – bạch hầu – uốn ván
Vắc xin ho gà – bạch hầu – uốn ván không chỉ có tác dụng bảo vệ mẹ bầu và em bé trong thai kỳ mà còn giúp bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại bệnh ho gà và uốn ván sơ sinh. Sau khi được tiêm vắc xin, cơ thể của người mẹ sẽ tạo ra các kháng thể cần thiết và truyền cho bé trước khi sinh. Những kháng thể này sẽ bảo vệ em bé chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà trong vài tháng đầu đời. Thời điểm tiêm vắc xin thích hợp là 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ.
NHỮNG LƯU Ý KHI TIÊM PHÒNG VẮC XIN CHO PHỤ NỮ MANG THAI
Cũng giống như các đối tượng tiêm vắc xin khác, sau khi tiêm vắc xin, mẹ bầu có thể xuất hiện các phản ứng sau tiêm phổ biến. Chẳng hạn như sốt nhẹ, sưng đau ở vị trí tiêm. Nếu như tiêm vắc xin ngừa cúm, mẹ bầu cũng có thể bị hiện tượng giả cúm như sốt nhẹ, hắt hơi, chảy nước mũi 1-2 ngày sau khi tiêm vắc xin. Đây là dấu hiệu bình thường, sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc nên mẹ bầu không phải quá lo lắng.
Để hạ sốt, mẹ bầu có thể tham khảo một số cách dưới đây:
- Hạ sốt bằng chườm khăn ấm nóng hoặc lau người bằng khăn ấm nóng, đặc biệt là ở những vị trí như bẹn, nách, lưng,…
- Bổ sung nhiều vitamin từ rau xanh và trái cây.
- Không sử dụng thuốc khi không có chỉ định từ bác sĩ.
- Nếu tình trạng sốt kéo dài từ 3-4 ngày trở lên, sốt cao, mệt mỏi, ngủ li bì, mẹ bầu cần đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Mẹ bầu nên theo dõi phản ứng của cơ thể trong vòng 24h – 48h sau tiêm vắc xin.
Ngoài ra, trước khi tiêm vắc xin, mẹ bầu cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng dưới đây:
- Nếu mẹ đang bị bệnh nhiễm trùng cấp tính gây sốt, mắc các bệnh đang điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch hay kháng viêm, cơ địa dị ứng,… cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm chủng.
- Với những vắc xin được khuyến cáo nên hoàn thành phác đồ tiêm trước khi mang thai, phụ nữ cần tránh thai an toàn trong thời gian quy định cho từng loại vắc xin đã tiêm. Nếu mẹ bầu bị vỡ kế hoạch thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chính xác.
Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về các vắc xin cần tiêm cho phụ nữ mang thai. Hy vọng, qua bài viết này sẽ giúp cho các mẹ bầu có thể chủ động lên kế hoạch tiêm ngừa vắc xin để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Liên hệ đến Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo để được tư vấn và đăng ký lịch tiêm chủng sớm nhất.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đặt lịch khám TẠI ĐÂY
Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com