Bệnh cúm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

 

Bệnh cúm được đánh giá là một trong những căn bệnh đáng sợ khi bùng phát thành dịch. Lịch sử đã từng ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới. Bất cứ ai cũng đều có khả năng nhiễm cúm, nhất là trẻ em, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém. Vậy bệnh cúm có những triệu chứng gì, nguyên nhân mắc bệnh, cách phòng ngừa ra sao? Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

CÚM LÀ BỆNH GÌ?

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 5 – 10% người lớn và 20 – 30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1 – 1,8 triệu người mắc cúm mùa.

Cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… Ở các vùng nhiệt đới như Việt Nam, cúm thường xảy ra vào mùa mưa nhưng vẫn có thể phát tán vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

bệnh cúm - cúm là gì

CÁC CHỦNG VIRUS CÚM HIỆN NAY

Cúm có 3 loại khác nhau ảnh hưởng tới người, bao gồm:

  • Cúm A: Còn được gọi là cúm mùa, được tìm thấy ở nhiều loài động vật. Virus cúm A thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới; được biết đến như là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng lây nhiễm cao. Các phân nhóm cúm A đang được lưu hành hiện nay bao gồm A (H1N1) và A (H3N2).
  • Cúm B: Cũng giống như cúm A, virus cúm B cũng có thể gây bệnh theo mùa. Tuy nhiên, virus cúm B nói chung thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh ở người và không được phân chia theo loại như cúm A; cũng không gây ra những đợt lây nhiễm lớn.
  • Cúm C: Virus cúm C cũng được tìm thấy ở người nhưng gây bệnh với các triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với cúm A và B và ít hình thành biến chứng nguy hiểm.

CÁC GIAI ĐOẠN TIẾN TRIỂN CỦA BỆNH CÚM

Một đợt cúm thường xảy ra theo 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn khởi phát (ngày thứ 1 – 3): Các triệu chứng cúm đột ngột xuất hiện bao gồm sốt, nhức đầu, đau và mỏi cơ, ho khan, đau họng, nghẹt mũi.
  • Giai đoạn toàn phát (ngày thứ 4 trở đi): Triệu chứng sốt và đau nhức cơ giảm. Người bệnh bị khàn tiếng, có cảm giác khô hoặc đau họng, ho và cảm thấy tức ngực. Ngoài ra, một số người cũng có thể thấy cơ thể mệt mỏi hoặc đầy hơi.
  • Giai đoạn hồi phục (ngày thứ 8 trở đi): Các triệu chứng giảm dần, cơn ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài 1 – 2 tuần tiếp theo.

bệnh cúm - các giai đoạn tiến triển

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Virus cúm (Influenza) chính là nguyên nhân gây bệnh cúm ở người. Virus cúm tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh, bao gồm mũi, cổ họng và phổi. Theo nghiên cứu dịch tễ, các chủng virus cúm có khả năng biến đổi liên tục theo chu kỳ hàng năm. Do đó, tỷ lệ trẻ em và người lớn lây nhiễm với các chủng cúm mới có thể lên tới 90%.

CÁC TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP

Biểu hiện lâm sàng của bệnh thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm lạnh tương đồng với nhau. Ngoài các dấu hiệu nhận biết là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh còn có các dấu hiệu như sau:

  • Sốt vừa đến cao (trên 38 độ C);
  • Cảm giác ớn lạnh;
  • Đau đầu, chóng mặt;
  • Đau nhức cơ bắp;
  • Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực;
  • Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).

Thời gian ủ bệnh thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ hết trong vòng một hoặc hai tuần.

CON ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN CỦA BỆNH CÚM

Thông thường, virus cúm lây truyền nhanh chóng từ người sang người chủ yếu qua 2 đường:

  • Lây qua dịch tiết đường hô hấp: Triệu chứng phổ biến ở những người nhiễm cúm là ho và hắt hơi. Khi hắt hơi và ho, virus trong cơ thể của người bệnh sẽ bắn ra ngoài theo tuyến nước bọt. Với khả năng tồn tại dai dẳng, virus cúm có thể phát tán rộng trong không khí với phạm vi 2m. Do đó, người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, trò chuyện trực tiếp với người bệnh trong khoảng cách 2m sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Lây qua bề mặt tiếp xúc: Việc sử dụng chung vật dụng như khăn, quần áo, bàn chải, ly uống nước,… có thể ẩn chứa nguồn lây nhiễm bệnh. Nếu người khỏe mạnh dùng chung hoặc chạm tay vào các vật dụng cá nhân của người bệnh; sau đó đưa tay lên mũi, miệng thì có nguy cơ cao nhiễm virus gây bệnh.

bệnh cúm - con đường lây truyền

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH

Bệnh cúm thường dễ nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường, do vậy mà nhiều người chủ quan, xem nhẹ, không điều trị hoặc điều trị trễ khi bệnh chuyển nặng. Từ đó có thể gây biến chứng nguy hiểm đến đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu,… Nếu không được điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai lưu.

Biến chứng nguy hiểm nhất ở bệnh cúm là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não), thường gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi 2 – 16. Mặc dù đây là hội chứng rất hiếm gặp nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Biến chứng này có thể xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng cúm có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa, mê sảng, co giật, chuyển sang hôn mê sâu rồi tử vong.

ĐỐI TƯỢNG NÀO DỄ BỊ CÚM?

Bất kỳ ai cũng có thể bị cúm, bệnh dễ gặp nhất ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu như:

  • Trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin cúm nên có nguy cơ nhiễm cúm rất cao. Đối với những em bé sinh non (dưới 32 tuần tuổi) kèm theo những nguy cơ về sức khỏe có khả năng mắc cúm cao hơn và diễn biến nặng nề hơn.
  • Trẻ em: Đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, có mắc các bệnh lý như hen suyễn, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan – thận,… Thì có nguy cơ mắc cúm và biến chứng đặc biệt cao. Do đó trẻ em luôn là đối tượng được khuyến cáo tiêm vắc xin cúm đầy đủ và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
  • Người lớn trên 65 tuổi, những người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch,…
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: Khi mang thai, có thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi về nội tiết tố, hệ miễn dịch yếu hơn khiến cho sức đề kháng suy giảm. Sau khi trải qua quá trình sinh nở, người phụ nữ bị suy giảm sức khỏe, thể chất cũng như sức đề kháng. Từ đó tạo điều kiện cho virus cúm dễ dàng tấn công.

bệnh cúm - đối tượng dễ mắc cúm

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH CÚM

Để chủ động phòng cúm, người dân nên thực hiện các biện pháp:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng; đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên.
  • Luôn giữ ấm cơ thể, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với luyện tập thể thao.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nếu không thật sự cần thiết.
  • Không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của bác sĩ.
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
  • Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

Bệnh cúm có thể lây lan mạnh và nguy cơ đe dọa sức khỏe của cả gia đình, cộng đồng ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Giữa thời điểm dịch Covid-19 đang tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trên toàn cầu, trẻ em và người lớn cần chủ động chủng ngừa cúm đúng lịch, đủ liều để gia tăng miễn dịch cho cơ thể. Qua đó cũng giúp giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm mùa và Covid-19 trong cùng một thời điểm.

Đăng ký lịch khám để được tư vấn và điều trị phù hợp

    —————————————————

    🏥 BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y TÂN TẠO
    🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
    📱 Đặt lịch khám TẠI ĐÂY 
    🚨 Hotline Cấp cứu 24/24: 0704 911 115
    ☎ Chăm sóc khách hàng: 0272 3769 727
    ☎️ Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
    💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
    🌏 Website: https://benhvientantao.com

    Tin tức khác