Bệnh Rubella (Sởi Đức): Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Bệnh Rubella hay còn gọi là sởi Đức, là một bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây ra. Bệnh có khả năng lây lan cao nên rất dễ bùng phát thành dịch. Bệnh có thể xảy ra với bất cứ ai, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu về bệnh Rubella, về các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả.

BỆNH RUBELLA LÀ GÌ?

Rubella còn được gọi là sởi Đức hoặc sởi 3 ngày, là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Tại khu vực miền Bắc nước ta, bệnh thường phát triển mạnh ở các tháng mùa Đông – Xuân, còn tại miền Nam bệnh có thể gặp quanh năm.

Bệnh rubella có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đặc biệt, nếu đối tượng mắc bệnh là phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể dễ dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH RUBELLA

Virus Rubella thuộc họ Togaviridae là nguyên nhân gây ra bệnh Rubella. Virus này chỉ có một tuýp huyết thanh được phát hiện và con người là nguồn truyền nhiễm duy nhất. Virus Rubella bất hoạt bởi nhiệt độ cao và các loại dung dịch sát khuẩn thông thường. Tuy nhiên, virus có thể tồn tại và gây bệnh ngoài môi trường từ một đến hai giờ. Những khu vực đông người như trường học, bệnh viện, nhà máy,… là môi trường lây bệnh thường gặp nhất.

bệnh rubella - nguyên nhân

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus Rubella nhân lên trong các tế bào đường hô hấp, lan đến các hạt lympho rồi vào đường máu. Người từng bị nhiễm hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh Rubella, cơ thể sẽ có miễn dịch bền vững và bảo vệ trọn đời.

ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN BỆNH RUBELLA

Virus Rubella lây truyền qua các giọt nước bọt khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi hoặc cổ họng của người nhiễm. Phụ nữ mang thai có thể lây truyền virus Rubella cho thai nhi qua nhau thai.

Ở trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh có thể lây truyền virus trong khoảng thời gian 1 năm hoặc lâu hơn. Dịch tiết từ đường hô hấp và nước tiểu trẻ sơ sinh mắc bệnh Rubella bẩm sinh chứa lượng lớn virus trong nhiều tháng. Vì vậy, bệnh Rubella bẩm sinh có thể lây truyền từ trẻ cho những người xung quanh chăm sóc trẻ.

THỜI GIAN Ủ BỆNH VÀ CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA BỆNH RUBELLA

Giai đoạn ủ bệnh

Từ 12 – 23 ngày sau khi nhiễm virus, người bệnh chưa có biểu hiện bệnh.

Giai đoạn phát bệnh

Bệnh nhân Rubella thường sốt nhẹ, đi kèm với các triệu chứng nhức đầu, đau họng, chảy mũi trong, một số trường hợp bị đỏ mắt, xuất hiện từ 1 tới 4 ngày. Sau khi người bệnh phát ban thì triệu chứng sốt thuyên giảm.

Phát ban là dấu hiệu đặc trưng nhất ở bệnh nhân Rubella. Ban đầu, ban thường mọc trên đầu, mặt rồi dần lan khắp toàn thân. Nốt ban Rubella có hình tròn hoặc bầu dục, nổi thành từng mảng hoặc riêng lẻ, có đường kính từ 1 – 2mm.

bệnh rubella - diễn biến của bệnh

Trong một số trường hợp, hạch có thể nổi ở vùng bẹn, cổ, xương chẩm. Hạch thường nổi trước khi phát ban và tồn tại vài ngày sau khi ban lặn hết.

Ngoài ra, đối với người lớn, phổ biến hơn ở phụ nữ, khi bị nhiễm bệnh, có thể bị viêm khớp và các cơn đau khớp thường kéo dài từ 3 – 10 ngày.

Giai đoạn lui bệnh

Khi lui bệnh, người bệnh hết sốt, ban lặn nhanh không theo quy luật và không để lại dấu vết trên da, thường sau một tuần hạch sẽ trở về bình thường.

Bệnh Rubella hầu như ít có nguy cơ tử vong nhưng vẫn có thể dẫn đến những biến chứng không thể xem thường như viêm não – màng não, viêm rễ thần kinh, sưng khớp và đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai.

CÁC YẾU TỐ LÀM TĂNG NGUY CƠ MẮC BỆNH

Người lớn hoặc trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh, nhưng ở một số đối tượng, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những người khác như:

  • Những người chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh Rubella.
  • Những người chưa từng mắc bệnh Rubella.
  • Người đi đến những quốc gia khác, đặc biệt là những nơi đang thịnh hành dịch Rubella.

DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT

Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh Rubella là những ban đỏ xuất hiện từ 14 – 21 ngày sau khi virus Rubella đi vào cơ thể. Khi phát bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, nổi ban, nổi hạch ở vùng sau tai, vùng chẩm, cổ sau, mệt mỏi, biếng ăn, đau khớp.

Ở thể Rubella bẩm sinh, sẽ có các biểu hiện như đục thủy tinh thể, thiểu năng tim và điếc bẩm sinh. Phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella rất dễ bị sảy thai, sinh non, gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Các biểu hiện của biến chứng có thể đơn thuần hoặc phức tạp, tổn thương có thể mang tính tạm thời hoặc vĩnh viễn.

PHÂN BIỆT GIỮA SỞI VÀ RUBELLA

Thông thường, bệnh Rubella rất dễ bị nhầm lẫn với Sởi do có nhiều triệu chứng giống nhau. Dưới đây là các đặc điểm để phân biệt.

Bệnh Sởi

Bệnh Rubella

Triệu chứng của Sởi có thể kéo dài lên đến 10 ngày.

  • Phát ban nổi rõ thành từng đốm, khi lành vẫn
    có thể để lại dấu vết.
  • Sốt cao có thể lên đến 40 độ C.
  • Có giai đoạn tiền triệu chứng đặc trưng
    với các biểu hiện như sốt, chảy nước mũi, ho khan, viêm kết mạc.
Triệu chứng có thể kéo dài khoảng 5 ngày.

  • Phát ban nhẹ, mờ nhanh, khi lành không để lại dấu vết.
  • Sốt nhẹ.
  • Không có giai đoạn tiền triệu chứng.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Bệnh thường có diễn nhẹ nên có thể điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Nếu người bệnh sốt cao, bác sĩ sẽ giúp người bệnh hạ sốt bằng cách cho uống nhiều nước, chỉ sử dụng thuốc hạ nhiệt khi thực sự cần thiết. Không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm.

bệnh rubella - chăm sóc người bệnh

Người bệnh cần kết hợp giữa nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ. Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chú ý chăm sóc và vệ sinh răng miệng, bàn tay và thân thể. Khi có dấu hiệu bệnh, bệnh nhân nên sớm đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị, cách ly khi cần thiết để hạn chế việc lây lan cho những người thân xung quanh.

PHƯƠNG PHÁP PHÒNG NGỪA

Hai biện pháp chính của phòng bệnh Rubella là cách ly và tiêm phòng bằng vắc xin. Trong đó, cách ly là biện pháp mang tính tạm thời và thụ động. Tiêm phòng vắc xin là biện pháp được đánh giá cao về độ an toàn hiệu quả và tính sinh miễn dịch của cơ thể với bệnh Rubella.

Vắc xin MMR-II là vắc xin kết hợp phòng ngừa ba bệnh truyền nhiễm: sởi, quai bị và Rubella. Đây là loại vắc xin được khuyến nghị tiêm chủng rộng rãi cho trẻ em và người lớn nhằm tạo miễn dịch cộng đồng và ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh này.

>>> Xem thêm Vắc xin ngừa Sởi – Quai bị – Rubella MMR-II của Mỹ.

TIÊM NGỪA BỆNH RUBELLA Ở ĐÂU UY TÍN?

Trung tâm tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo là địa chỉ uy tín trong lĩnh vực tiêm chủng phòng ngừa bệnh truyền nhiễm. Với đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, quy trình tiêm chủng nhanh chóng, an toàn, trung tâm cam kết mang đến dịch vụ tiêm chủng an toàn và hiệu quả. Trung tâm cung cấp đa dạng các loại vắc xin, bao gồm vắc xin MMR-II, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ em và người lớn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách tối ưu.

bệnh rubella - tiêm ngừa

Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về bệnh Rubella (Sởi Đức), với các thông tin quan trọng bao gồm các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa. Liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng sớm nhất.

Đăng ký lịch khám để được tư vấn và điều trị phù hợp

    —————————————————

    🏥 BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y TÂN TẠO
    🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
    📱 Đặt lịch khám TẠI ĐÂY 
    🚨 Hotline Cấp cứu 24/24: 0704 911 115
    ☎ Chăm sóc khách hàng: 0272 3769 727
    ☎️ Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)

    Tin tức khác