Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong ở phụ nữ đứng thứ 2 sau ung thư vú. Khám tầm soát ung thư cổ tử cung được xem là cách hiệu quả nhất giúp phát hiện sớm các nguy cơ ung thư. Từ đó theo dõi và can thiệp điều trị kịp thời. Vậy phương pháp và quy trình khám đối với bệnh này như thế nào? Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG LÀ GÌ?
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ung thư xảy ra ở cổ tử cung, vị trí khe hẹp nối âm đạo với tử cung. Ung thư cổ tử cung hình thành do tế bào ở cổ tử cung phát triển đột biến tạo nên khối u. Những tế bào này nhân lên không kiểm soát và mất cơ chế tự hủy. Dần dần chúng phát triển tấn công sang những mô lân cận, giai đoạn diễn tiến muộn sẽ di căn tới những cơ quan khác.
Khám tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp chẩn đoán, phát hiện sớm và ngăn chặn các tế bào bất thường ở cổ tử cung của phụ nữ. Thông thường, các tế bào này sẽ xuất hiện và phát triển dần qua nhiều năm dưới tác động của các tác nhân gây bệnh. Ở giai đoạn đầu, bệnh rất khó nhận biết vì triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác. Hầu hết phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh chưa từng thực hiện tầm soát trước đó.
Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là thực hiện các xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phụ khoa thường xuyên đã được chứng minh có khả năng phát hiện và điều trị ung thư từ sớm. Phát hiện ung thư từ giai đoạn khởi phát giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ điều trị thành công, ngăn ung thư tiến triển, di căn tới các khu vực lân cận.
VÌ SAO CẦN KHÁM TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
NGAY TỪ SỚM?
Góp phần giảm số ca mắc ung thư cổ tử cung trong tương lai
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý gây tử vong và vô sinh hàng đầu ở nữ giới, có xu hướng gia tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 50.000 ca mắc mới và khoảng 250.000 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung mỗi năm. Nếu không ngăn chặn, dự tính đến năm 2030, số ca mắc trên toàn cầu có thể lên đến 700.000 và 400.000 người tử vong.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến thứ 4 ở phụ nữ Việt Nam
Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến thứ 4 ở phụ nữ và phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Nguyên nhân của bệnh chủ yếu do virus HPV. Khoảng 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời nhưng chủ yếu là nhiễm thoáng qua. Trong đó, khoảng 20% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao dai dẳng gây nên biến đổi tế bào ở cổ tử cung.
Quá trình một người phụ nữ nhiễm HPV nguy cơ cao tiến triển thành ung thư xâm lấn mất khoảng 10 năm. Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm bệnh khi chưa có biểu hiện là vô cùng quan trọng. Bởi điều này có thể xử trí, điều trị kịp thời, giúp bệnh nhân thoát khỏi “án tử” do bệnh ác tính.
Tổn thương tiền ung thư cổ tử cung nếu phát hiện sớm có thể được điều trị khỏi với tỷ lệ rất cao. Nếu ung thư ở giai đoạn sớm, khu trú tại chỗ, tỷ lệ điều trị thành công là gần 100%. Ở giai đoạn I, tỷ lệ điều trị khỏi là 85% – 90%; ở giai đoạn 2 là 75%; giai đoạn 3 là từ 30% – 40% và giai đoạn 4 là dưới 15%.
Giúp tiết kiệm chi phí điều trị và nâng cao tỷ lệ khỏi bệnh
Gánh nặng bệnh tật do ung thư cổ tử cung là mối đe dọa rất lớn đối với những người phụ nữ thuộc gia đình có điều kiện kinh tế xã hội thấp. Một khi bị mắc bệnh sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người phụ nữ nói riêng và gia đình của người bệnh nói chung. Chính vì thế, sàng lọc ung thư cổ tử cung là một trong những biện pháp đơn giản và hữu hiệu giúp phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ. Có biện pháp can thiệp điều trị ngay từ sớm giúp tỷ lệ điều trị thành công cao, tiết kiệm chi phí. Do đó, bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa và làm các xét nghiệm sàng lọc định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
NHỮNG AI CẦN KHÁM TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG?
Những người nên thực hiện khám tầm soát ung thư cổ tử cung gồm:
- Phụ nữ trong độ tuổi trung niên, có nguy cơ cao và chưa thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung trước đó. Tuy nhiên, phụ nữ từ 21 tuổi cũng có thể thực hiện xét nghiệm tầm soát.
- Người xuất hiện các triệu chứng bất thường như rong kinh, chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh.
- Đau rát khi quan hệ.
- Viêm nhiễm phụ khoa mạn tính.
ĐỘ TUỔI NÊN TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Việc thực hiện các tầm soát sàng lọc ung thư cổ tử cung khi nào phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh tật. Theo đó, độ tuổi được khuyến nghị thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung gồm:
Từ 21 đến 29 tuổi
Cơ quan Y tế Dự phòng Hoa kỳ (USPSTF) khuyến nghị sử dụng phương pháp xét nghiệm Pap smear đầu tiên ở tuổi 21, sau đó xét nghiệm lại mỗi 3 năm một lần. Ngay cả khi có quan hệ tình dục trước 21 tuổi cũng không cần thực hiện phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung Pap smear.
Từ 30 – 65 tuổi
Từ 30 – 65 tuổi, USPSTF khuyên phụ nữ trong độ tuổi này nên khám tầm soát ung thư cổ tử cung bằng một trong các phương pháp sau:
- Xét nghiệm HPV (5 năm một lần): nếu kết quả bình thường, bạn có thể thực hiện lần xét nghiệm tiếp theo sau 5 năm.
- Kiểm tra HPV kết hợp làm Pap smear (5 năm 1 lần): nếu cả 2 kết quả đều bình thường, bạn có thể thực hiện đợt xét nghiệm sàng lọc tiếp theo sau 5 năm.
- Xét nghiệm Pap smear (3 năm một lần): nếu kết quả bình thường, bạn sẽ thực hiện lần xét nghiệm tiếp theo sau 3 năm.
Theo các hướng dẫn sàng lọc mới nhất, bạn nên thực hiện xét nghiệm HPV ở tuổi 25 và tiến hành xét nghiệm lại cách 5 năm/lần cho đến 65 tuổi. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tiến hành khám sàng lọc theo tình trạng sức khỏe và hướng dẫn của bác sĩ.
Trên 65 tuổi
Nếu trên 65 tuổi và các kết quả xét nghiệm HPV hoặc Pap smear trước đó cho kết quả bình thường, bạn có thể liên hệ bác sĩ để được tư vấn có nên tiếp tục thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung nữa hay không. Tuy nhiên, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, bận vẫn cần tiến hành khám sàng lọc sau độ tuổi 65 tuổi.
CÁC PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Các phương pháp tầm soát phổ biến hiện nay bao gồm:
- Khám phụ khoa: Các phương pháp khám phụ khoa thông thường không thể khẳng định ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên có thể giúp bác sĩ dễ dàng đánh giá, nghi ngờ khi phát hiện những tổn thương, bất thường, viêm nhiễm ngay từ sớm để chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu phù hợp. Vì vậy, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.
- Kiểm tra trực quan bằng acid acetic (VIA): Được thực hiện bằng các công cụ hỗ trợ và mắt thường. Phương pháp này thường mang tính sàng lọc và không cho kết quả tin cậy. Do đó, nếu nghi ngờ những bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung chuyên sâu hơn.
- Soi cổ tử cung: Phương pháp soi cổ tử cung mang lại hình ảnh thật được phóng to 10-30 lần so với thực tế, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát những tổn thương, bất thường khó thấy bằng mắt thường. Nếu phát hiện những bất thường trong quá trình soi cổ tử cung, bác sĩ sẽ lấy một vài mảnh mô nhỏ để sinh thiết. Mẫu mô này sẽ được nhuộm, soi trên kính hiển vi nhằm phát hiện các tế bào ác tính, chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
- Các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung như: xét nghiệm Pap smear, xét nghiệm HPV, Thinprep.
QUY TRÌNH KHÁM TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Quy trình thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung cơ bản như sau:
- Khám lâm sàng: Khám thể lực bao gồm cân nặng, chiều cao, huyết áp, nhịp tim. Việc khám lâm sàng giúp bác sĩ nắm rõ tình trạng sức khỏe hiện tại và có phương hướng thăm khám tiếp theo.
- Khám phụ khoa: Giúp kiểm tra tử cung và cổ tử cung. Trong trường hợp phát hiện các triệu chứng bất thường, nghi ngờ là dấu hiệu ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm khác để kiểm tra chuyên sâu hơn.
- Thực hiện xét nghiệm tầm soát như: Xét nghiệm HPV test, Pap smear/Thinprep.
- Đọc kết quả xét nghiệm và bác sĩ tư vấn: Sau khi thực hiện tất cả các bước khám trên, bác sĩ đọc kết quả và chẩn đoán tình trạng bệnh, cũng như tư vấn phòng ngừa/điều trị.
Tại tỉnh Long An, Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo là cơ sở cung cấp dịch vụ khám tầm soát ung thư cổ tử cung mà chị em có thể lựa chọn. Với trang thiết bị y tế hiện đại và được thăm khám trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên môn cao, chắc chắn sẽ mang tới cho chị em trải nghiệm thăm khám an toàn, hiệu quả và cho kết quả khám chính xác.
Trên đây là nội dung chia sẻ về khám tầm soát ung thư cổ tử cung, bao gồm tầm quan trọng của việc khám tầm soát, những đối tượng, độ tuổi và các phương pháp khám tầm soát. Hy vọng qua bài viết này sẽ mang đến cho chị em những thông tin hữu ích. Liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn chi tiết ngay khi có nhu cầu khám tầm soát, kiểm tra sức khỏe.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
![📱](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t57/1/16/1f4f1.png)
![☎️](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t22/1/16/260e.png)
💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com
![🚏](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/tfc/1/16/1f68f.png)