Bệnh sởi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

 

Bệnh sởi được xem là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua đường không khí do một loại vi rút gây ra, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và tử vong. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu về bệnh sởi qua bài viết dưới đây.

TỔNG QUAN VỀ BỆNH SỞI

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Nó lây lan dễ dàng khi người nhiễm bệnh thở, ho hoặc hắt hơi. Nó cũng có thể lây lan nếu như một người nào đó chạm vào một bề mặt hoặc một vật thể nào đó đã bị nhiễm vi rút, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của chính họ, hoặc ăn uống khi chưa rửa tay. Bệnh có thể gây biến chứng nặng và thậm chí tử vong. Bệnh sởi có thể gây bệnh cho bất cứ ai, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng hoặc trẻ em chưa đủ tuổi tiêm vắc xin và phụ nữ mang thai.

tổng quan về bệnh sởi

Vi rút sởi có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt tới 2 giờ, chờ đợi để xâm nhập vào đường thở của các nạn nhân tiếp theo. Vì thế, một người khỏe mạnh có thể bị nhiễm bệnh nếu ở chung với người nhiễm vi rút sởi hoặc chỉ qua tiếp xúc gián tiếp trong vòng 2 giờ.

TRIỆU CHỨNG MẮC BỆNH

Thời gian ủ bệnh là 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút. Phát ban là triệu chứng nổi bật dễ nhận thấy nhất.

Trong 4 – 7 ngày đầu sau khi nhiễm vi rút, các triệu chứng bao gồm:

  • Chảy nước mũi.
  • Ho.
  • Mắt đỏ và chảy nước.
  • Những đốm trắng nhỏ xuất hiện bên trong má.

Khoảng 7 – 18 ngày sau, triệu chứng phát ban bắt đầu, mặt và cổ là vị trí phát ban đầu tiên. Trong vòng 3 ngày, phát ban lan dần đến tay và chân và thường kéo dài từ 5 – 6 ngày trước khi mờ dần.

triệu chứng bệnh sởi

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH

Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh sởi đều do các biến chứng liên quan đến căn bệnh này. Các biến chứng bao gồm:

  • Mù lòa.
  • Viêm não (một bệnh nhiễm trùng gây sưng não và có khả năng gây tổn thương não).
  • Tiêu chảy nặng và mất nước.
  • Nhiễm trùng tai.
  • Các vấn đề hô hấp nghiêm trọng bao gồm viêm phổi.

Ở phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi, điều này có thể gây nguy hiểm cho người mẹ và có thể dẫn đến việc con bị sinh non với cân nặng khi sinh thấp.

Các biến chứng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 30 tuổi. Chúng thường xảy ra ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là những trẻ không có đủ vitamin A hoặc có hệ miễn dịch yếu do HIV hoặc các bệnh khác. Bản thân bệnh sởi cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể khiến cơ thể “quên” cách tự bảo vệ mình trước các bệnh nhiễm trùng, khiến trẻ cực kỳ dễ bị tổn thương.

AI CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH SỞI?

Bất kỳ người nào chưa có miễn dịch, chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng nhưng chưa phát triển khả năng miễn dịch đều có thể bị nhiễm bệnh. Trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng và người mang thai có nguy cơ cao nhất bị biến chứng nặng do bệnh sởi. Bệnh sởi vẫn còn phổ biến, đặc biệt ở một số vùng của châu Phi, Trung Đông và châu Á.

BỆNH SỞI CÓ THUỐC ĐIỀU TRỊ ĐẶC HIỆU KHÔNG?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, không có cách điều trị cụ thể cho bệnh sởi. Việc chăm sóc nên tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và ngăn ngừa các biến chứng. Chính vì thế, việc dự phòng là yếu tố tiên quyết. Nếu chẳng may mắc bệnh, người bệnh cần biết sử dụng thuốc đúng cách và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh những biến chứng nguy hiểm.

ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA BỆNH SỞI NHƯ THẾ NÀO?

Điều trị bệnh sởi

Khi trẻ mắc bệnh sởi, phụ huynh cần làm những việc sau:

  • Cách ly trẻ tránh tình trạng lây lan bệnh trong cộng đồng. Từng thành viên trong nhà cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, giữ nơi sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ.
  • Với trẻ đã mắc bệnh sởi, cần được ở trong phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
  • Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, phụ huynh cần để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp với tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A.
  • Nhỏ mũi, nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.
  • Cần cho trẻ uống đủ nước, nước oresol hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy cần bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn.
  • Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như mệt, li bì, kém ăn, khó thở, tiêu chảy, ho nhiều, ban lặn nhưng vẫn sốt… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

điều trị bệnh sởi

Ngoài ra, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt lặp lại, ho nhiều hơn và có đờm, hay nheo mắt vì chói, tiêu chảy, sốt cao kéo dài, co giật, li bì, mệt mỏi, thở nhanh nông, khàn tiếng hoặc mất tiếng, hoặc có các dấu hiệu bất thường khác… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi cần đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn và có pháp đồ điều trị trong thời gian thai kỳ.

Phòng ngừa bệnh sởi

Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả và đơn giản nhất chính là tiêm vắc xin sớm, đầy đủ và đúng lịch. Phụ huynh cần đưa con đi tiêm vắc-xin sởi càng sớm càng tốt để bảo vệ trẻ cũng như góp phần bảo vệ cộng đồng.

Xem thêm: Quy trình tiêm chủng tại Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo.

TIÊM CHỦNG VẮC XIN SỞI TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y TÂN TẠO

Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo cung cấp dịch vụ tiêm chủng với nguồn vắc xin chất lượng và bảo quản đúng tiêu chuẩn. Khách hàng sẽ được tư vấn và thực hiện kiểm tra sức khỏe sàng lọc trước khi tiêm, có khu vực theo dõi sức khỏe sau tiêm thông thoáng, được theo dõi trong vòng 30 phút sau tiêm cho khách hàng, qua đó có biện pháp xử trí phù hợp và kịp thời nếu có phản ứng bất thường.

Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về bệnh sởi với các dấu hiệu nhận biết bệnh, cũng như phương pháp phòng ngừa. Liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn chi tiết và đặt lịch tiêm chủng sớm nhất.

Đăng ký lịch khám để được tư vấn và điều trị phù hợp

    —————————————————

    🏥 BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y TÂN TẠO
    🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
    📱 Đặt lịch khám TẠI ĐÂY 
    🚨 Hotline Cấp cứu 24/24: 0704 911 115
    ☎ Chăm sóc khách hàng: 0272 3769 727
    ☎️ Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
    💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
    🌏 Website: https://benhvientantao.com

    Tin tức khác