Bệnh bạch hầu: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

 

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ bị biến chứng nặng, thậm chí là tử vong. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu? Triệu chứng và biến chứng của bệnh là gì? Cách phòng ngừa bệnh ra sao? Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

KHÁI QUÁT VỀ BỆNH BẠCH HẦU

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện giả mạc dày dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh, bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục, tiết niệu, hậu môn, ống tai). Bệnh có khả năng lây truyền nhanh chóng. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Bệnh bạch hầu là gì

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi, người bị rối loạn miễn dịch, sống chung trong môi trường đông đúc, chật hẹp, vệ sinh kém, không tiêm chủng đầy đủ đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và dễ chuyển nặng.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH BẠCH HẦU

Tác nhân gây ra bệnh bạch hầu là vi khuẩn gram dương, hiếu khí có tên là Corynebacterium diphtheriae. Vi khuẩn này phát triển tốt trong môi trường thông thoáng. Đặc biệt, chúng phát triển nhanh chóng trong môi trường có máu và huyết thanh.

bệnh bạch hầu - nguyên nhân

Vi khuẩn này khi vào cơ thể sẽ tiết ra ngoại độc tố gây ức chế tổng hợp protein, từ đó hủy hoại mô tại chỗ tạo nên giả mạc dày và dai, màu trắng ngà hoặc trắng xám, bám chặt vùng mũi, họng, lưỡi, tuyến hạnh nhân và thanh quản. Ngoại độc tố hấp thu vào máu, sinh sôi và phát tán khắp cơ thể gây nhiễm độc toàn thân và nhiều biến chứng nguy hiểm.

TRIỆU CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH LÀ GÌ?

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh bạch hầu khoảng 2-5 ngày, không có biểu hiện.

Thời kỳ khởi phát bệnh thường tiến triển từ từ, bệnh nhân sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi, khó chịu, da xanh.

bệnh bạch hầu - triệu chứng

Khi bệnh toàn phát, sẽ có triệu chứng sốt nhẹ hoặc không sốt, ho và đau họng, khó nuốt, đau đầu, khàn giọng. Vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc nặng, miệng hôi, mệt mỏi nhiều. Chảy nước mũi mủ máu, viêm loét niêm mạc mũi. Hạch cổ, hạch góc hàm to, cổ bạnh to.

Họng đỏ, xuất hiện màng giả mạc trắng xám, ánh vàng, nhẵn bóng, dính chặt vào amidan, họng, lan rất nhanh, khó bóc, nếu bóc ra sẽ gây chảy máu và làm giả mạc lan nhanh hơn, giả mạc này không tan khi cho vào nước.

Màng giả mạc thường có ở amidan, sau lan nhanh ra hầu họng, vòm họng, lưỡi gà, xuống thanh môn gây khó thở thanh quản.

bệnh bạch hầu - màn giả mạc dày dai

Biến chứng

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh trở nặng và có các biến chứng như: tắc nghẽn đường hô hấp, suy hô hấp, viêm cơ tim, tổn thương các dây thần kinh, tổn thương bàng quang, nhiễm trùng phổi, tê liệt cơ hoành,…

bệnh bạch hầu - biến chứng

HÌNH THỨC LÂY TRUYỀN CỦA BỆNH BẠCH HẦU

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện,… Giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu hòa vào không khí, người khỏe mạnh hít phải sẽ nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây gián tiếp khi tiếp xúc với các đồ vật có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn chứa vi khuẩn bạch hầu.

>>>Xem thêm bài viết Bảng giá Vắc-xin tại Trung tâm tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo.

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH BẠCH HẦU

Đây là một bệnh cấp cứu nên cần nhập viện ngay để điều trị và cách ly càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ theo dõi sát sao các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin. Phụ huynh cần cho con tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu lúc trẻ 2-4 tháng tuổi. Và tiêm nhắc lại lúc trẻ 16-18 tháng tuổi; 4-7 tuổi; 9-15 tuổi. Phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người già trên 50 tuổi; người mắc bệnh mạn tính,… cũng cần tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng ngừa căn bệnh này.

bệnh bạch hầu - cách phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm đầy đủ, đúng lịch.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Đảm bảo nhà ở và những nơi tập trung đông người, trẻ em thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
  • Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

TIÊM NGỪA BẠCH HẦU Ở ĐÂU TẠI LONG AN UY TÍN?

Trung tâm Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo là địa chỉ uy tín và hiện đại, cung cấp các dịch vụ tiêm chủng chất lượng cao. Với đội ngũ bác sĩ và chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm, trung tâm đảm bảo an toàn và hiệu quả cho mọi mũi tiêm. Trang thiết bị tiên tiến và quy trình tiêm chủng chuyên nghiệp giúp người dân an tâm khi đến đây tiêm phòng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Đăng ký lịch khám để được tư vấn và điều trị phù hợp

    —————————————————

    🏥 BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y TÂN TẠO
    🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
    📱 Đặt lịch khám TẠI ĐÂY 
    🚨 Hotline Cấp cứu 24/7: 0704 911 115
    ☎ Chăm sóc khách hàng: 0272 3769 727
    ☎️ Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
    💌 Email: info@benhvientantao.com
    🌏 Website: https://benhvientantao.com

    Tin tức khác