Mùa hè sắp đến, việc đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi là rất quan trọng. Nhiệt độ cao có thể gây ra những rủi ro không mong muốn cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi. Trong bài viết này, Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích và các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong mùa hè.
NGUY CƠ SỨC KHỎE Ở NGƯỜI CAO TUỔI KHI NẮNG NÓNG
Trong những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt ở Nam Bộ, người cao tuổi là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do khi già đi, sức đề kháng cũng giảm dần nên cơ thể kém thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Khi bị nắng nóng tác động, người cao tuổi dễ bị sốc nhiệt. Đối với những người cao tuổi có sẵn bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp; thời tiết nắng nóng là yếu tố khiến người bệnh dễ gặp biến chứng nguy hiểm như đột quỵ,…
Thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt của cơ thể, có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao, con người sẽ rơi vào trạng thái chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức. Thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh,… của con người.
Bên cạnh đó, khi bị tăng thân nhiệt, người bệnh sẽ thường bị ra mồ hôi đầm đìa dẫn đến việc dễ bị mất nước, kiệt sức, cộng thêm tình trạng say nắng say nóng nếu không bảo vệ cơ thể đúng cách khi làm việc, hoạt động ngoài trời nắng.
CÁC BIỆN PHÁP GIÚP BẢO VỆ SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI KHI NẮNG NÓNG
Uống đủ nước
Người cao tuổi cần uống đủ nước. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong mùa hè được khuyến cáo. Nhu cầu uống nước ở người cao tuổi trung bình từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Nên chia lượng nước ra làm nhiều lần uống trong ngày, không uống quá nhiều nước cùng một lúc. Cần uống đủ ngay cả khi không thấy khát, bởi cơ thể người già ít có cảm giác khát nước.
Ngoài ra, người cao tuổi còn cần lưu ý thêm về việc không nên uống nước đá, nước ướp lạnh vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với thân nhiệt sẽ dễ bị viêm họng, dễ sặc nước. Nước uống phù hợp nhất là nước nấu sôi để nguội ở môi trường tự nhiên, phù hợp với nhiệt độ cơ thể. Bên cạnh đó, người cao tuổi có thể cần uống thêm các loại nước ép trái cây tươi (cần uống liền ngay sau khi vừa ép).
Tránh nắng gắt, làm việc và luyện tập vừa phải
Ở người cao tuổi nếu làm vườn cần làm việc nhẹ nhàng. Nên làm vườn vào thời điểm dịu mát trong ngày, tránh làm việc ngoài trời lúc nắng nóng gay gắt. Một số người tham gia tập thể dục cũng cần tránh tập luyện lúc ánh nắng gay gắt. Nên tập thể dục vào buổi sáng sớm và lựa chọn nơi có bóng mát để tập luyện. Thời gian tập luyện thể dục trong mùa hè được khuyến cáo là trước 9 giờ sáng và sau 17 giờ chiều; tránh tập vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao từ 10 giờ – 16 giờ.
Chú ý ăn đủ bữa
Thời tiết quá oi bức, khiến nhiều người (có cả người cao tuổi) trở nên chán ăn, chủ yếu uống nước, ăn cơm chan canh một cách qua loa. Điều này dễ dẫn đến tình trạng ăn ít, ăn không đủ chất dinh dưỡng khiến cho dễ sụt cân, giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm. Chính vì vậy, người cao tuổi nên chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Các món ăn nên được thay đổi thường xuyên để tăng cảm giác thèm ăn.
Chế độ dinh dưỡng
Theo khuyến cáo của các nhà dinh dưỡng, người cao tuổi nên bổ sung nhiều rau, củ quả và giảm bớt thịt. Không nên ăn nhiều nội tạng động vật như tim, gan, lòng, dạ dày,… Thay vào đó, nên ăn nhiều cá, tôm, cua, giảm chất béo trong bữa ăn. Không nên ăn quá mặn hoặc quá chua.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng nên ăn nhiều rau xanh, canh mát giải nhiệt và hoa quả. Bên cạnh việc ăn nhiều rau có tác dụng giải nhiệt cơ thể, rau xanh và hoa quả còn cung cấp nhiều chất xơ, khoáng chất, và vitamin. Các loại rau cần bổ sung như: xà lách, cải bẹ, giá đậu xanh, rau dền, củ dền, mồng tơi, rau muống, khổ qua, rau má, mã đề, bồ ngót, bầu, bí,…
Các loại trái cây giàu dưỡng chất, tốt cho người lớn tuổi trong mùa hè như: cam, chanh, bưởi, chuối, nho, đu đủ, cà chua, dưa hấu,…
Ngoài ra, có thể bổ sung thêm một số loại nước mát cho người cao tuổi như: nước đậu đen, nước đậu xanh, sữa hạt sen, nước yến, sắn dây, sữa tươi, sữa đậu nành, nước dừa,…
Lưu ý:
- Người cao huyết áp: tránh ăn quá mặn, cũng như hạn chế sử dụng nhiều gia vị như gừng, ớt, hạt tiêu.
- Người bị đái tháo đường: tránh dùng nhiều đường và cần ăn uống theo khuyến cáo của bác sĩ.
Tắm đúng thời điểm và nhiệt độ thích hợp cũng là việc hết sức quan trọng
Thông thường nên tắm vào sáng sớm khi nắng ấm hoặc buổi trưa là thời điểm tốt nhất. Tránh tắm ngay khi thức dậy hoặc sau bữa ăn hoặc tắm quá khuya.
- Đảm bảo nhiệt độ nước hợp lý: nước quá nóng hoặc quá lạnh dễ gây ra tình trạng rối loạn huyết áp và rối loạn thân nhiệt nên nhiệt độ thích hợp nhất là 37-38 độ.
- Đảm bảo luôn có người ở gần đối với người cao tuổi có sức khỏe yếu và đi lại khó khăn để hỗ trợ kịp thời khi cần và hạn chế tối đa việc té ngã, chấn thương.
- Tránh tắm quá lâu vì tiếp xúc nước quá lâu có thể gây tình trạng giảm áp lực máu, giảm thân nhiệt và dễ bị bệnh.
Khám sức khỏe định kỳ
Đa phần, người cao tuổi thường mắc các loại bệnh khác nhau. Do sự suy giảm sức đề kháng và hệ thống tiêu hóa nên người cao tuổi thường xuyên mắc các bệnh như huyết áp, tim mạch, xương khớp… Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ và tái khám đúng hẹn rất quan trọng khi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về cách giúp bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong mùa hè. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho bạn. Liên hệ đến chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn và đặt lịch khám.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đặt lịch khám TẠI ĐÂY
Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com