Viêm mũi xoang trẻ em: Biểu hiện, biến chứng và cách phòng ngừa

BS.CKI. Phạm Quý Bình, bác sĩ khoa Nội tổng quát, chuyên sâu Tai-Mũi-Họng, chia sẻ những thông tin bổ ích đến các bậc phụ huynh những triệu chứng của viêm mũi xoang và cách phân biệt với viêm đường hô hấp thông thường. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, những biến chứng của viêm mũi xoang có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

1. VIÊM XOANG MŨI LÀ GÌ?

Viêm mũi xoang là tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi, gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, siêu vi, dị ứng… bệnh thường hay gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi.

Bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng hô hấp trên cấp tính với sự trở nặng và kéo dài của các triệu chứng. Bệnh có khả năng tái phát nhiều lần hay chuyển thành mạn tính.

Theo BS.CKI. Phạm Quý Bình, vùng mặt có một hệ thống khoang rỗng được lót bởi niêm mạc gồm có xoang hàm, xoang sàng, xoang trán, xoang bướm. Các xoang này không chỉ giúp làm vùng sọ mặt nhẹ hơn mà còn có khả năng cộng hưởng âm thanh tạo nên giọng nói đặc trưng cho mỗi người. Trẻ bị viêm mũi xoang khi lớp niêm mạc bao phủ bên trong xoang tổn thương do virus, vi khuẩn, nấm, hóa chất, khói bụi hay các chất gây dị ứng…

2. BIỂU HIỆN CỦA VIÊM MŨI XOANG

Xoang bị nhiễm trùng sẽ có những triệu chứng sau: sốt nhẹ kéo dài, sổ mũi, nước mũi có màu vàng-xanh, chảy mũi xuống họng gây đau họng, ho, hơi thở hôi, nôn ọe, trẻ trên 6 tuổi thì luôn có triệu chứng nhức đầu, mệt mõi khó chịu, phù nề quanh mắt.

Ở trẻ em dưới 2 tuổi, viêm mũi xoang thường đi kèm với viêm tai giữa do nhiễm siêu vi, và dị ứng bởi những yếu tố môi trường và đặc biệt là bệnh trào ngược acid dạ dày thực quản.

Dựa theo thời gian mắc bệnh, viêm mũi xoang được chia thành viêm xoang cấp hay mạn tính. Nếu trẻ bị một hay nhiều triệu chứng kể trên kéo dài quá 12 tuần thì coi như là viêm mũi xoang mạn tính.” BS.CKI Phạm Quý Bình tư vấn.

Cụ thể, viêm mũi xoang được chia thành 3 thể: viêm mũi xoang cấp tính kéo dài dưới 4 tuần, viêm mũi xoang bán cấp kéo dài từ 4 – 8 tuần và viêm mũi xoang mạn tính kéo dài ít nhất từ 8-12 tuần bất chấp việc điều trị.

3. NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ em, trong đó nguyên nhân do vi khuẩn, virus, vi nấm là hay gặp nhất. Vi khuẩn gây bệnh viêm xoang gặp chủ yếu là một trong các loại Hemophillus influenzae, Streptococcus pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), E.coli, cầu khuẩn (tụ cầu và liên cầu), Klebsiella… Các loài vi khuẩn này từ họng, hầu, mũi, phế quản di chuyển ngược dòng lên các xoang và gây viêm xoang cho trẻ.

Viêm mũi xoang trẻ em thường hay gặp ở các cháu dưới 6 tuổi, bị viêm mũi dị ứng, viêm VA, viêm amidan. Bệnh thường khởi đầu ở các cháu gầy yếu, suy dinh dưỡng, hay sốt vặt, có cơ địa dị ứng, thường mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, điều trị không khỏi dẫn đến viêm mũi xoang.

Các nguyên nhân trên kéo dài dai dẳng dẫn đến niêm mạc mũi bị phù nề, tắc lỗ thông mũi xoang, ứ đọng dịch trong xoang và viêm xoang.

4. BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, nhưng nếu không được điều trị triệt để hoặc không hợp lý, viêm mũi xoang có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: viêm họng mạn tính, Polyp mũi, viêm tai giữa ứ dịch, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, nhức đầu dai dẳng, viêm màng não, áp xe não, giảm thị lực hay mù mắt do tổn thương dây thần kinh thị giác, giảm thính lực do viêm tai, viêm tấy ổ mắt – mí mắt – túi lệ, viêm amiđan.

BS.CKI Phạm Quý Bình cho biết: “Viêm mũi xoang mạn tính hoặc những thời kỳ tái phát của viêm xoang mũi cấp tính nhiều hơn 4-6 lần trong năm thì phải đưa trẻ đi khám bệnh ở bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để điều trị hoặc có thể can thiệp bằng phẫu thuật nội soi mũi xoang.

5. CÁCH PHÒNG BỆNH VIÊM MŨI XOANG

Một số biện pháp để phòng bệnh viêm mũi xoang cho trẻ em gồm:

– Điều trị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng tức thì để ngăn cản sự nhiễm khuẩn ở các xoang đang phát triển.

– Tránh tiếp xúc với những người bị cảm hoặc đang nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do siêu vi. Nếu phải tiếp xúc với người bệnh thì phải rửa tay ngay lập tức hoặc phải rửa thường xuyên.

– Tránh xa khói thuốc lá, vì khói thuốc kích thích làm cho niêm mạc mũi xoang bị viêm nặng hơn.

– Nếu đã có cơ địa dị ứng thì tránh những tác nhân gây dị ứng, nên nói cho bác sĩ biết trẻ có đang điều trị bằng phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu hay không.

– Tránh hít thở không khí khô khan. Nên dùng máy tạo ẩm trong nhà hoặc nơi trẻ học tập để làm ẩm không khí

Đăng ký lịch khám để được tư vấn các vấn đề gặp phải ở trẻ

    —————————————————
    🏥 BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y TÂN TẠO
    🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
    📮Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
    🌎 Website: https://benhvientantao.com – Kênh Zalo: 0768999115
    ☎️ Hotline: 0272 3769 727 – Cấp cứu: 0704 911 115

    Tin tức khác