Viêm màng não mô cầu là một bệnh nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh. Trẻ em một khi mắc viêm màng não mô cầu có thể tử vong trong vòng 24 giờ đầu nhập viện nếu không được điều trị kịp thời. Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu về nguyên nhân mắc bệnh, hình thức lây truyền, các dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh và cách phòng ngừa của bệnh viêm màng não mô cầu qua bài viết dưới đây.
VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU LÀ GÌ?
Viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường xảy ra đột ngột và có tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong của bệnh rơi vào khoảng 5% – 15%.
Có các loại bệnh viêm màng não mô cầu như viêm màng não tủy cấp có mủ, viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu. Những nơi có bệnh lưu hành, có khoảng 5% – 10% người bị nhiễm não mô cầu khuẩn ở hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng. Thể nhiễm khuẩn không triệu chứng thường gặp trong các vụ dịch, là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng.
NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU
Nguyên nhân gây viêm màng não mô cầu là do vi khuẩn Neisseria meningitidis, hay còn gọi là meningococcus. Dựa vào kháng nguyên polyozit, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính: A, B, C và D. Trong đó, vi khuẩn não mô cầu nhóm B, C là thường gặp nhất. Ngoài ra, còn có các nhóm vi khuẩn não mô cầu khác như W-135, X, Y và Z. Vi khuẩn trong nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực hơn, nhưng vẫn gây bệnh nặng.
TRIỆU CHỨNG VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU
Triệu chứng viêm màng não mô cầu thường xảy ra đột ngột. Bệnh thường có những triệu chứng như:
- Sốt cao đột ngột.
- Đau đầu dữ dội.
- Buồn nôn và nôn.
- Cổ cứng.
- Có thể xuất hiện đốm xuất huyết.
Có những trường hợp có thêm biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nhiễm não mô cầu nhưng chỉ sốt và/hoặc viêm mũi họng, thậm chí không có triệu chứng lâm sàng nào.
VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh viêm màng não mô cầu có tốc độ tiến triển rất nhanh, có thể gây tử vong cho trẻ em trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời. Đa số các ca trẻ em nhập viện do viêm não mô cầu có nguy cơ tử vong rất cao. Nếu may mắn được cứu sống, trẻ vẫn có khả năng bị di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy thận cấp, tổn thương gan, đoạn chi (cắt cụt chi),…
CÁC LOẠI VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU
Viêm não mô cầu A, C, Y, W
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm não mô cầu. Trong đó có khoảng 135.000 ca tử vong (chiếm khoảng 11% số ca). Ở nước ta, cứ 100.000 dân, sẽ có 2 – 3 người mắc bệnh. Đây là bệnh truyền nhiễm xếp hạng thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao nhất.
Viêm não mô cầu BC
Bệnh viêm não mô cầu BC do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính kéo theo tình trạng màng não bị nhiễm trùng dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Ở trẻ em, viêm màng não do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất. Do vậy, trẻ em là đối tượng cần các biện pháp phòng ngừa an toàn để không bị mắc phải.
Viêm màng não mô cầu B
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm màng não mô cầu nhóm B và có tỷ lệ tử vong rất cao. Có 5% – 10% trẻ em dù được điều trị nhưng vẫn bị tử vong. Gần 10% trẻ sống sót sau não mô cầu nhóm B phải chịu di chứng (khuyết tật lớn nhất về thể chất, thần kinh) và trên 30% bị di chứng phải cắt cụt chi, mất thính lực (khả năng nghe), rối loạn tâm lý. Bệnh còn nguy hiểm bởi thường được phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán dẫn đến khó có thể điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu càng khó nhận diện.
Các ca bệnh liên quan đến viêm màng não do não mô cầu được điều trị phải tốn chi phí lên đến hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng. Chưa kể các chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc cho người có các di chứng sức khỏe nặng sau này. Tuổi càng nhỏ, chi phí điều trị và theo dõi các di chứng lâu dài càng lớn.
VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU CÓ LÂY KHÔNG? HÌNH THỨC LÂY TRUYỀN LÀ GÌ?
Trong các vụ dịch não mô cầu được ghi nhận có đến 25% người có biểu hiện bệnh không điển hình, 50% người có mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng. Đây là nguồn lây bệnh chủ yếu trong cộng đồng.
Con đường lây nhiễm chính của bệnh viêm não mô cầu là thông qua đường hô hấp. Khi người bị nhiễm hắt hơi, ho hoặc khạc nhổ, vi khuẩn sẽ thông qua các hạt nước bọt bay ra môi trường ngoài. Sau đó xâm nhập vào cơ thể của người khác qua đường hô hấp từ đường mũi họng. Thời kỳ lây bệnh của viêm màng não mô cầu tùy vào sự tồn tại của vi khuẩn ở vùng hầu họng của người nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể biến mất ở vùng họng sau 24 giờ điều trị kháng sinh.
ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU
Viêm não mô cầu có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng và độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số đối tượng dễ mắc nhất bao gồm:
- Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi;
- Thanh thiếu niên và thanh niên;
- Những người sống trong môi trường đông đúc như ký túc xá, nhà trọ, chung cư, nhà phố hoặc doanh trại quân đội;
- Những người suy dinh dưỡng kéo dài do bất thường về hệ tiêu hóa hoặc suy giảm chức năng hấp thụ đường ruột.
- Người du lịch đến các khu vực dịch tễ lưu hành như châu Phi;
- Nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu;
Ngoài ra, một số yếu tố, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Sinh sống ở những nơi đông đúc;
- Học chung cùng học sinh chuyển từ những vùng có dịch tễ lưu hành đến;
- Rối loạn giấc ngủ, tình trạng giờ giấc ngủ thức không cố định kéo dài.
- Có thói quen hút thuốc hoặc sống với người có thói quen hút thuốc.
- Làm việc hoặc tham gia các sự kiện, lui tới những nơi tập trung đông người như quảng trường, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, v.v…
PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM MÀNG NÃO DO MÔ CẦU
Viêm màng não do mô cầu được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhất là đối với trẻ nhỏ, di chứng kéo dài nên phòng ngừa là việc rất quan trọng.
Môi trường và không gian tại nơi ở, trường học, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch cũ cần tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng phục vụ cho mục đích theo dõi. Nếu có điều kiện tiến hành kiểm soát những người đã từng mắc bệnh (đã được chữa khỏi), những người sống lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu, sớm loại bỏ nguy cơ.
Với những người chưa tiêm phòng hoặc nghi ngờ nhiễm viêm màng não mô cầu khuẩn do có tiếp xúc với người nghi mắc bệnh, có triệu chứng, cần cách ly ngay lập tức để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Đồng thời, người bệnh khi đó sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm. Nếu chẩn đoán cho ra kết quả dương tính, cần dùng kháng sinh sớm.
Cuối cùng, tiêm vắc xin ngừa viêm màng não là liệu pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.
Viêm màng não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, tiến triển nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Người bệnh may mắn sống sót cũng phải gánh chịu những di chứng nặng nề ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hiện nay, tiêm vắc xin phòng viêm màng não mô cầu là phương pháp tiết kiệm, hiệu quả được các tổ chức y tế khuyến cáo. Liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng sớm nhất.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đặt lịch khám TẠI ĐÂY
Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com