5 thiết bị y tế cần có để theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà

 

Theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà thường xuyên sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân. Bên cạnh đó, nắm bắt kiến thức cơ bản về các chỉ số sức khỏe cũng như cách sử dụng một số dụng cụ y tế trong đo lường chỉ số sức khỏe cũng có thể áp dụng kiểm tra sức khỏe được cho người thân trong gia đình. Từ đó có thể chủ động phối hợp với bác sĩ cũng như hỗ trợ việc chẩn đoán bệnh (nếu có) được nhanh chóng và chính xác hơn. Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu về 5 thiết bị y tế cần có để theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà qua bài viết dưới đây.

MÁY ĐO NỒNG ĐỘ OXY TRONG MÁU

Mục đích kiểm tra nồng độ oxy trong máu là gì?

Mục đích của việc đo nồng độ oxy trong máu là để xem liệu máu của bạn có được oxy hóa tốt hay không. Bạn có thể sử dụng máy đo oxy để theo dõi sức khỏe hằng ngày tại nhà. Các bệnh lý liên quan đến nồng độ oxy trong máu như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh hen suyễn, viêm phổi, ung thư phổi, thiếu máu, đau tim hoặc suy tim, bệnh tim bẩm sinh. Với những người có những bệnh lý này cần thường xuyên theo dõi nồng độ oxy trong máu.theo dõi chỉ số sức khỏe - đo nồng độ oxy trong máu

Cách sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu

Máy đo nồng độ oxy trong mạch sẽ cho bạn biết mức độ bão hòa oxy cùng với nhịp tim của bạn. Để đọc kết quả bằng máy đo nồng độ oxy, bạn cần:

  • Loại bỏ mọi đồ trang sức hoặc lớp sơn móng tay.
  • Giữ cho tay được ấm, thư giãn và thấp hơn mức tim.
  • Đặt thiết bị kẹp vào đầu ngón tay, dái tai (trái tai) hoặc ngón chân.
  • Bấm nút khởi động và giữ thiết bị trong khoảng thời gian cần thiết để theo dõi mạch và độ bão hòa oxy của bạn.
  • Tháo thiết bị sau khi quá trình kiểm tra kết thúc.

Tỷ lệ oxy trong máu bao nhiêu là tốt?

Theo Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ nói rằng, thông thường, trên 89% máu của bạn phải mang oxy. Đây là mức độ bão hòa oxy cần thiết để giữ cho tế bào của bạn khỏe mạnh. Trường hợp độ bão hòa oxy tạm thời dưới mức này có thể không nguy hại. Tuy nhiên nếu lặp lại nhiều lần hoặc mức độ bão hòa luôn thấp hơn 89% có thể gây hại đến sức khỏe.Mức độ bão hòa oxy 95% được coi là điển hình cho hầu hết những người khỏe mạnh. Mức 92% hoặc thấp hơn có thể cho thấy tình trạng thiếu oxy tiềm ẩn, tức là mức oxy trong máu thấp nghiêm trọng. Bạn cần đến thăm khám bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn khi thấy kết quả kiểm tra tại nhà bất thường.

MÁY ĐO ĐƯỜNG HUYẾT

Mục đích sử dụng máy đo đường huyết

Máy đo đường huyết là một công cụ thiết yếu để quản lý bệnh tiểu đường. Đây là một trong 5 thiết bị y tế phổ biến dùng để theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà. Nếu quản lý tốt cách đo đường huyết tại nhà, người bệnh không chỉ ngừa được các biến chứng đái tháo đường mà còn xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp do bệnh tiểu đường gây ra như hạ đường huyết, tăng đường huyết,…theo dõi chỉ số sức khỏe - đo đường huyếtThói quen kiểm tra đường huyết không những kiểm soát bệnh tiểu đường mà còn mang lại nhiều lợi ích khác:

  • Sự kiểm soát đường huyết trong điều trị bệnh tiểu đường đang ở mức độ nào.
  • Chế độ tập thể dục và dinh dưỡng đã ảnh hưởng như thế nào đến lượng đường trong máu. Qua đó, liệu bạn có cần thay đổi món ăn hay duy trì chế độ ăn như cũ?
  • Những vấn đề như bệnh tật và căng thẳng ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào?
  • Thuốc tiểu đường hoạt động như thế nào? Có cần phải báo bác sĩ thay đổi liều lượng thuốc hay không.
  • Nắm bắt được thời điểm lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp trong ngày.

Ai cần thử đường huyết thường xuyên tại nhà?

Trường hợp nằm trong nhóm đối tượng dưới đây, ban cần kiểm tra đường huyết thường xuyên tại nhà:

  • Người đang dùng insulin
  • Phụ nữ có thai
  • Khó kiểm soát mức đường huyết
  • Người có mức đường huyết thấp, đặc biệt không có dấu hiệu cảnh báo
  • Có ceton do lượng đường trong máu cao

Cách đo/kiểm tra đường huyết tại nhà

Bước 1: Rửa sạch và lau khô tay sau sát khuẩn. Nếu không, kết quả sẽ không chính xác.Bước 2: Kiểm tra hạn sử dụng và mã code của que thử. Lắp kim lấy máu vào bút, thực hiện lấy máu. Lưu ý, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ phải thực hiện ngay, tránh để lâu dễ bị oxy hóa.Bước 3: Nhỏ một giọt máu lên que thử, đặt que vào máy đo và xem hiển thị lượng đường trong máu.Bước 4: Ghi lại kết quả xét nghiệm để có thể chia sẻ với bác sĩ (nếu có).Dựa trên kết quả, người bệnh cũng có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc thuốc uống.

Các chỉ số đường huyết ở người khỏe mạnh

Chỉ số đường huyết mao mạch bình thường ở từng nhóm người cụ thể như sau:

Ở người khỏe mạnh

  • Trước khi ăn: <5,5 mmol/L
  • Sau ăn 1-2 giờ (tính từ thời điểm bắt đầu ăn): <7,7 mmol/L

Ở phụ nữ mang thai

  • Trước khi ăn: <5,3 mmol/L
  • 1 giờ sau ăn: <= 7,8 mmol/L
  • 2 giờ sau ăn: <= 6,7 mmol/L

Ở người bệnh tiểu đường

  • Nhịn ăn sau 8 tiếng: <7 mmol/L. Nếu chỉ số đường huyết ở những lần đo liên tục tiếp theo xuống dưới 6,1 mmol/L, người bệnh cần thăm khám bác sĩ.
  • 2 giờ sau ăn: < 10 mmol/L.
  • Lúc đói: từ 6,1 – 7 mmol/L.

Người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi phù hợp nhằm cải thiện tình trạng; phòng ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

Nên kiểm tra đường huyết bao nhiêu lần/ngày?

Căn cứ vào tình trạng bệnh của mỗi người, bác sĩ sẽ khuyên nên thực hiện thử tiểu đường tại nhà với tần suất và thời gian tương ứng. Nếu người bệnh sử dụng insulin nhiều hơn 1 lần mỗi ngày hoặc sử dụng máy tiêm insulin, bác sĩ sẽ khuyến nghị kiểm tra lượng đường trong máu ít nhất 3 lần/ngày.Ngoài ra, bạn cần kiểm tra đường huyết tại nhà nếu thuộc một trong những đối tượng sau:

  • Bệnh tiểu đường tuýp 1: thử ít nhất 3 lần/ngày.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2: kiểm tra trước khi ăn sáng, trưa, chiều và sau bữa ăn 1-2 giờ; trước khi đi ngủ hay nghỉ ngơi có hạ đường huyết.
  • Tiền tiểu đường hoặc nghi ngờ các triệu chứng của bệnh tiểu đường.

MÁY ĐO HUYẾT ÁP

Máy đo huyết áp được xem là thiết bị y tế phổ biến mà nhà nào cũng cần có ít nhất một chiếc dùng để theo dõi chỉ số sức khỏe chủ yếu là kiểm tra huyết áp tại nhà. Cao huyết áp là căn bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như đau thắt ngực, đột quỵ, suy tim, suy thận,… Bệnh nhân có thể phát hiện cao huyết áp nếu được đo huyết áp đúng cách.theo dõi chỉ số sức khỏe - đo huyết áp

Cách kiểm tra huyết áp tại nhà

Khi đo huyết áp tại phòng khám hoặc đo huyết áp tại nhà, bệnh nhân đều cần thực hiện đúng theo quy trình sau:

  • Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh tối thiểu 5-10 phút trước khi đo huyết áp.
  • Trước đó 2 giờ không dùng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia.
  • Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi trên ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay nằm ngang mức tim.
  • Quấn băng đo huyết áp đủ chặt, bờ dưới bao đo ở trên nếp khuỷu tay 2cm và đặt máy ở vị trí đảm bảo máy hoặc mốc 0 của trang đo ngang với tim.
  • Không nói chuyện hoặc cử động khi đang đo huyết áp.
  • Ở lần đo đầu tiên cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay. Đo huyết áp tay nào có trị số cao hơn sẽ được dùng để theo dõi huyết áp về sau.

Nên đo huyết áp tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh lệch nhau 10mmHg thì cần đo lại một vài lần sau khi đã cho bệnh nhân nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp được ghi nhận là phép chia trung bình của 2 lần đo cuối cùng.Đo huyết áp nhiều lần giúp làm tăng độ chính xác ở bệnh nhân có rối loạn nhịp tim, ví dụ như bị rung nhĩ.

Cách đọc số đo huyết áp

Chỉ số huyết áp bình thường

  • Huyết áp tâm thu: 90 mmHg – 130 mmHg.
  • Huyết áp tâm trương: 60 mmHg – 85 mmHg.

Chỉ số huyết áp thấp: Huyết áp tâm thu <85 mmHg hoặc huyết áp tâm trương <60 mmHg cảnh báo huyết áp thấp.Chỉ số huyết áp caoPhân độ huyết áp cao theo Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO):

  • Tiền tăng huyết áp: huyết áp tâm thu 130 – 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 85 – 90 mmHg.
  • Huyết áp cao độ 1: huyết áp tâm thu 140 – 159 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99 mmHg.
  • Huyết áp cao độ 2: huyết áp tâm thu 160 – 179 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 100 – 109 mmHg.
  • Huyết áp cao độ 3: huyết áp tâm thu >= 180 mmHg hoặc huyết áp tâm trương >= 110 mmHg
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: chỉ số huyết áp tâm thu >= 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.

MÁY ĐO NHỊP TIM

Hiện nay, đa số các thiết bị y tế đo độ bão hòa Oxy trong máu hay máy đo huyết áp cũng có tích hợp theo dõi nhịp tim. Vì thế, bạn cũng có thể sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu hoặc máy đo huyết áp để đo nhịp tim tại nhà.theo dõi chỉ số sức khỏe - đo nhịp timNgoài ra, còn có một cách khác giúp bạn theo dõi nhịp tim khi không có máy đo nhịp tim. Cách thực  hiện như sau:

  • Tìm vị trí động mạch ở cổ tay.
  • Dùng hai đầu ngón tay ấn nhẹ lên động mạch.
  • Đếm nhịp tim trong 30 giây và nhân đôi để xác định số lần đập mỗi phút.

Nhịp tim bình thường theo độ tuổi

Dưới đây là chỉ số nhịp tim bình thường theo độ tuổi, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

  • Trẻ sơ sinh từ 0-1 tháng tuổi: 70 – 190 nhịp/phút
  • Trẻ sơ sinh từ 1 – 11 tháng tuổi: 80 – 160 nhịp/phút
  • Trẻ em từ 1 – 2 tuổi: 80 – 130 nhịp/phút
  • Trẻ em từ 3 – 4 tuổi: 80 – 120 nhịp/phút
  • Trẻ em từ 5 – 6 tuổi: 75 – 115 nhịp/phút
  • Trẻ em từ 7 – 9 tuổi: 70 – 110 nhịp/phút
  • Trẻ em từ 10 tuổi trở lên và người lớn (kể cả người cao tuổi): 60 – 100 nhịp/phút
  • Các vận động viên ở trạng thái tốt nhất: 40 – 60 nhịp/phút

CÂN SỨC KHỎE

Theo dõi cân nặng cho phép bạn nhận thấy thành quả của lối sống và ăn uống lành mạnh, quá trình tập thể dục đều đặn. Vì vậy, bạn nên bước lên cân 1 lần/tuần, vào cùng một thời điểm trong ngày. Bạn nên cân vào buổi sáng, ngay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn sáng. Theo các chuyên gia, buổi sáng là thời điểm thích hợp để kiểm tra cân nặng. Bởi cơ thể đã có thể tiêu hóa hết thực phẩm, đồ uống của ngày hôm trước. Nên đặt cân trên mặt phẳng cứng, đứng thăng bằng trên cân và dồn đều trọng lượng lên hai chân.theo dõi chỉ số sức khỏe - theo dõi cân nặngTrang phục bạn mặc khi cân có thể gây ra những chênh lệch nhỏ. Vì vậy, hãy mặc ít đồ nhất có thể khi bước lên cân. Bạn cũng có thể mặc trang phục giống nhau mỗi lần kiểm tra cân nặng để có kết quả chính xác.Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về 5 thiết bị y tế dùng để theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà. Hy vọng qua bài viết này sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích. Ngoài việc tự kiểm tra các chỉ số sức khỏe tại nhà, khám sức khỏe định kỳ cá nhân cũng rất cần thiết. Qua đó bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe và tư vấn cho bạn chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp. Liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn và đặt lịch khám khi có nhu cầu.

Đăng ký lịch khám để được tư vấn và điều trị phù hợp

    —————————————————

    🏥 BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y TÂN TẠO
    🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
    📱 Đặt lịch khám TẠI ĐÂY 
    🚨 Hotline Cấp cứu 24/24: 0704 911 115
    ☎ Chăm sóc khách hàng: 0272 3769 727
    ☎️ Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
    💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
    🌏 Website: https://benhvientantao.com

    Tin tức khác