Trong hành trình mang thai, mỗi bà mẹ đều mong muốn đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai nhi của mình. Sàng lọc trước sinh trở thành một cụm từ quan trọng và cần thiết trong quá trình này, giúp phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh và những vấn đề di truyền có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Vậy sàng lọc trước sinh là gì? Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
SÀNG LỌC TRƯỚC SINH LÀ GÌ?
Sàng lọc trước sinh là một thuật ngữ chung bao hàm nhiều phương pháp và xét nghiệm được thực hiện như siêu âm, phân tích mẫu máu hoặc mô. Các phương pháp khám sàng lọc này các bác sĩ có thể tư vấn hoặc mẹ bầu mong muốn được thực hiện trong thời kỳ mang thai. Từ kết quả của các xét nghiệm, bác sĩ sẽ biết được liệu vợ hoặc chồng có mang gen bẩm sinh gây ra bất thường di truyền ở thai nhi hay không. Em bé có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe hoặc nhiễm sắc thể bất thường nào không. Thai nhi có dị tật hay không. Từ đó bác sĩ sẽ tiên lượng, tư vấn cho mẹ bầu và gia đình, đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Thông thường, các xét nghiệm này thường được thực hiện trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. Sàng lọc đối với các mẹ bầu trước sinh thường là các xét nghiệm không xâm lấn. Trường hợp, kết quả sàng lọc cho thấy có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán.
Ngoài ra, giai đoạn đầu của thai kỳ vô cùng quan trọng, vì thế các bác sĩ có thể sẽ khuyến nghị thêm một số xét nghiệm sàng lọc khác như xét nghiệm dung nạp glucose, kiểm tra bệnh tiểu đường thai kỳ,… Mục đích là để tìm ra các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi (nếu có).
TẦM QUAN TRỌNG CỦA SÀNG LỌC TRƯỚC SINH
Kiểm tra sàng lọc trước sinh trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối sẽ chỉ ra các vấn đề về sức khỏe của người mẹ như:
- Nhóm máu.
- Tiểu đường thai kỳ, thiếu máu hoặc một số bệnh trạng khác.
- Hệ miễn dịch đối với một số bệnh.
- Bệnh về đường tình dục hoặc ung thư cổ tử cung.
Bên cạnh đó, xét nghiệm sàng lọc còn giúp các bác sĩ biết được tình trạng của mẹ và bé:
- Sức khỏe của mẹ và tình trạng của thai nhi.
- Các thông số của em bé như kích thước, giới tính, tuần thai và vị trí trong tử cung.
- Thai nhi có dị tật, nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, di truyền hoặc các bệnh lý khác hay không.
Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra với trẻ ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Vì vậy xét nghiệm sàng lọc là vô cùng quan trọng bởi giúp phát hiện sớm các dấu hiệu dị tật ở thai nhi, các bệnh ở người mẹ. Điều này giúp bé ra đời khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc các loại bệnh về sau.
AI CẦN SÀNG LỌC TRƯỚC SINH?
Hầu hết các sản phụ đều cần phải thực hiện các xét nghiệm cơ bản. Ngoài ra, các đối tượng bà bầu được nêu ra dưới đây sẽ được bác sĩ khuyến nghị thực hiện thêm các xét nghiệm:
- Sinh con muộn, từ 35 tuổi trở lên.
- Từng sinh non hoặc thai lưu.
- Từng sinh con bị dị tật bẩm sinh (đặc biệt là các vấn đề về tim hoặc di truyền).
- Đang mang thai nhiều hơn một em bé.
- Có tiền sử bị cao huyết áp, tiểu đường, lupus, bệnh tim, các vấn đề về thận, ung thư, hen suyễn hoặc rối loạn co giật.
- Trong gia đình có người thân mắc chứng rối loạn di truyền.
>>> Xem thêm bài viết Lịch khám thai và những xét nghiệm cần thiết.
CÁC PHƯƠNG PHÁP SÀNG LỌC TRƯỚC SINH
Sàng lọc trước sinh bao gồm rất nhiều xét nghiệm khác nhau và 3 gói xét nghiệm được các bác sĩ khuyến nghị bao gồm:
Sàng lọc Double test
Xét nghiệm sàng lọc Double test (còn được gọi là sàng lọc huyết thanh) là một phần của sàng lọc toàn diện thường được thực hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đây là một loại xét nghiệm dự đoán, đưa ra kết quả báo cáo về nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể. Trong những trường hợp nguy cơ cao, các bác sĩ sẽ tư vấn mẹ bầu có thể làm thêm các xét nghiệm như NIPT, chọc hút dịch ối,…
Sàng lọc Triple Test
Sàng lọc Triple Test là xét nghiệm sàng lọc ở tháng đầu tiên của giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ. Cũng giống như Double Test, xét nghiệm này sử dụng để đánh giá nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể của thai nhi. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có nguy cơ cao, thai phụ sẽ được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán.
Sàng lọc trước sinh NIPT
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT hoặc NIPS) được thực hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ, khi thai được 9 tuần. NIPT được thực hiện trên kết quả giải trình gen thế hệ mới để phân tích các ADN tự do của thai nhi trong máu của người mẹ, từ đó các bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ mắc bệnh liên quan đến bất thường của nhiễm sắc thể.
CÁC THỜI ĐIỂM CẦN SÀNG LỌC TRƯỚC SINH?
Trong 3 tháng đầu thai kỳ
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, các xét nghiệm sàng lọc sẽ được thực hiện khi thai được 9 đến 13 tuần tuổi. Để tiến hành xét nghiệm sàng lọc, các bác sĩ sẽ tư vấn một số xét nghiệm như:
- Lấy máu làm NIPT nếu mẹ bầu có tiền sử thai lưu, sẩy thai,…
- Siêu âm để đo độ mờ da gáy.
- Làm Double test.
Sau khi tổng hợp các kết quả xét nghiệm và siêu âm, bác sĩ sẽ dễ dàng đánh giá được thai nhi có nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down, bất thường nhiễm sắc thể 13, 18,… Ngoài ra, xét nghiệm này cũng có thể phát hiện được một số tình trạng bất thường như đa thai.
Trong 3 tháng giữa thai kỳ
Trường hợp mẹ bầu chưa kịp làm xét nghiệm trong 3 tháng đầu thai kỳ, vẫn có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc trong 3 tháng giữa thai kỳ. Xét nghiệm có thể thực hiện từ tuần 14 đến 18 của thai kỳ, nhưng lý tưởng nhất là tuần 15 đến 17. Xét nghiệm này còn được gọi là phương pháp xét nghiệm sàng lọc huyết thanh mẹ (MSS) hoặc xét nghiệm bộ ba (Triple test).
Thông thường, các xét nghiệm mà mẹ bầu sẽ cần làm trong 3 tháng giữa thai kỳ bao gồm:
- Xét nghiệm máu sàng lọc: Giúp đánh giá sức khỏe của mẹ và thai nhi, đồng thời sàng lọc thai bất thường về nhiễm sắc thể, có tỉ lệ mắc dị tật bẩm sinh,… Xét nghiệm máu cũng là phương pháp sàng lọc giúp phát hiện sớm nguy cơ các hội chứng Down, Edward, dị tật ống thần kinh, … ở thai nhi.
- Siêu âm thai: Được thực hiện khi thai được 18 đến 22 tuần, nhằm kiểm tra sự tăng trưởng và phát triển của em bé và các dị tật bẩm sinh. Hay còn gọi là siêu âm hình thái học thai nhi.
- Chọc ối: Bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch ối để làm nhiễm sắc đồ, phân tích tình trạng di truyền của thai nhi. Xét nghiệm này thường được thực hiện từ tuần 15 đến 20 của thai kỳ. Phương pháp chọc hút dịch ối thường được khuyến nghị đối với các mẹ bầu trên 35 tuổi, có tiền sử mắc các bệnh di truyền và kết quả khám sàng lọc trong 3 tháng đầu của bé có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.
- Nghiệm pháp dung nạp đường huyết: Để kiểm tra tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm này trong khoảng thời gian từ 24 đến 28 tuần của thai kỳ, trong một số trường hợp mẹ bầu có thể được chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết sớm hơn.
Trong 3 tháng cuối thai kỳ
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, khi thai được 30 đến 32 tuần, khi khám thai mẹ bầu sẽ được chỉ định siêu âm để phát hiện một số dị tật muộn của thai nhi như giãn não thất, dị tật đường tiêu hóa,… Khi thai được 34 đến 35 tuần, bác sĩ sẽ khuyến nghị mẹ bầu làm xét nghiệm vi khuẩn liên cầu nhóm B (còn gọi là GBS). Đây là một loại bệnh nhiễm trùng có thể truyền từ mẹ sang con trong khi sinh.
Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về sàng lọc trước sinh. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Liên hệ đến chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn hoặc đặt lịch khám thai.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đặt lịch khám TẠI ĐÂY
Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com