Mang thai là một quá trình kỳ diệu nhưng cũng đầy thử thách. Trong suốt thời gian mang thai, mẹ bầu có thể đối mặt với một số bệnh lý có thể gặp khi mang thai, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Những bệnh lý này có thể gây ra biến chứng và cần được theo dõi, chăm sóc y tế kịp thời. Việc hiểu rõ các vấn đề sức khỏe thường gặp trong thai kỳ sẽ giúp mẹ bầu chủ động hơn trong việc chăm sóc bản thân và thai nhi, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
SẨY THAI
Khoảng 80% các trường hợp sảy thai xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ (trước 12 tuần). Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Hở eo cổ tử cung.
- Nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm.
- Tử cung dị dạng hoặc có u xơ.
- Bất thường nhiễm sắc thể (đặc biệt ở những trường hợp sảy thai từ 3 lần trở lên).
- Các bệnh tự miễn dịch.
Dấu hiệu nhận biết:
- Ra máu âm đạo.
- Đau bụng dưới.
Nếu bạn gặp các dấu hiệu trên và được chẩn đoán là dọa sảy thai, hãy nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng và nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
THAI NGOÀI TỬ CUNG
Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh không làm tổ bên trong tử cung như bình thường mà lại bám ở những vị trí khác, thường gặp nhất là ở vòi trứng. Tình trạng này khá phổ biến, cứ khoảng 200 đến 500 phụ nữ mang thai thì có 1 người gặp phải.
Nguy hiểm của thai ngoài tử cung
- Khối thai có thể bị vỡ, gây đau dữ dội và chảy máu nhiều.
- Nếu không được xử lý kịp thời, có thể đe dọa tính mạng của mẹ.
Dấu hiệu nhận biết
- Đau bụng dưới.
- Ra máu bất thường trong thai kỳ.
>>> Xem thêm bài viết: Mang thai ngoài tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa.
THAI TRỨNG
Thai trứng là một tình trạng bất thường trong thai kỳ, xảy ra khi nhau thai phát triển không bình thường bên trong tử cung. Nguyên nhân thường là do bất thường về nhiễm sắc thể của trứng sau khi thụ tinh.
Dấu hiệu nhận biết
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Nghén nặng hơn bình thường.
- Siêu âm không thấy túi thai.
- Chỉ số hCG trong nước tiểu tăng rất cao.
Điều trị
Nếu được chẩn đoán thai trứng, bạn sẽ được bác sĩ Sản – Phụ khoa thực hiện thủ thuật nạo vét tổ chức bất thường trong tử cung. Sau đó, cần theo dõi định kỳ để phòng ngừa các biến chứng khác có thể xảy ra.
CAO HUYẾT ÁP THAI KỲ
Cao huyết áp thai kỳ là tình trạng huyết áp cao xảy ra khi mang thai. Huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên được gọi là huyết áp cao.
Nguy cơ
Huyết áp cao khiến máu lưu thông kém, thai nhi có thể bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Nếu không được điều trị kịp thời, mẹ bầu có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:
- Sản giật.
- Nhau bong non.
- Xuất huyết não.
Cao huyết áp thai kỳ thường sẽ cải thiện sau sinh, đặc biệt là trong khoảng 3 tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể tiến triển nặng hơn, cần theo dõi sát sao.
Khi nào cần đến bệnh viện?
- Nếu được chẩn đoán cao huyết áp, mẹ bầu nên nghỉ ngơi, giữ tâm lý thoải mái, ăn uống lành mạnh và đến bệnh viện có chuyên khoa Sản – Phụ khoa để được bác sĩ tư vấn và điều trị.
- Trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Cách phòng ngừa cao huyết áp thai kỳ
- Quản lý cân nặng: Cân thường xuyên để duy trì cân nặng hợp lý.
- Ăn nhạt: Giảm muối, tối đa 7 gam/ngày.
- Vận động nhẹ nhàng: Tham gia các hoạt động phù hợp như yoga, bơi lội hoặc đi bộ.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện và xử lý sớm các bất thường.
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
Đái tháo đường thai kỳ là một trong các bệnh lý có thể gặp khi mang thai, đây là tình trạng đường huyết (lượng đường trong máu) tăng cao khi mang thai do cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả. Insulin là hormone do tuyến tụy sản xuất, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Đây được xem là một trong các bệnh lý có thể gặp khi mang thai phổ biến.
Kiểm tra và theo dõi
Khi đi khám thai, mẹ bầu sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số đường huyết. Điều này giúp phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu có bất thường.
Hầu hết mẹ bầu sẽ khỏi sau sinh, nhưng để ngăn ngừa bệnh tái phát hoặc tiến triển về sau, mẹ nên:
- Vận động nhẹ nhàng, phù hợp.
- Kiểm soát cân nặng, hạn chế ăn ngọt và đồ béo, nên bổ sung các loại hạt tốt cho sức khỏe.
- Giữ tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng.
- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh.
Ai dễ mắc đái tháo đường thai kỳ?
- Có người thân (anh chị em ruột) mắc bệnh đái tháo đường.
- Mang thai muộn (từ 35 tuổi trở lên).
- Béo phì hoặc tăng cân quá nhanh khi mang thai.
- Từng sinh con nặng trên 4kg.
- Đã có tiền sử rối loạn đường huyết trước đó.
>>> Xem thêm bài viết Tiểu đường thai kỳ: Nguyên nhân, biến chứng và phòng ngừa.
SINH NON, DỌA SINH NON
Sinh non là khi em bé chào đời sớm, từ tuần 22 đến trước 37 tuần của thai kỳ. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 6% các trường hợp mang thai.
Nguyên nhân gây sinh non
- Nhiễm trùng tử cung (phổ biến là viêm màng ối do vi khuẩn).
- Hở eo cổ tử cung khiến cổ tử cung không giữ được thai.
- Biến chứng sức khỏe của mẹ như: nhau bong non, nhau tiền đạo hoặc suy thai buộc phải sinh sớm.
Dấu hiệu cảnh báo dọa sinh non
Mẹ bầu cần theo dõi cẩn thận các dấu hiệu sau:
- Bụng gò cứng nhiều lần trong ngày (trên 10 lần/ngày).
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Rỉ ối hoặc vỡ ối.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, mẹ cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
Xử trí tại bệnh viện
Các bác sĩ sẽ cố gắng kéo dài thời gian giữ thai trong bụng mẹ càng lâu càng tốt, vì mỗi ngày trôi qua sẽ giúp bé phát triển thêm. Em bé sinh ra từ 34 – 37 tuần, nặng trên 1500 gram, sẽ có nhiều cơ hội sống và phát triển khỏe mạnh giống như trẻ đủ tháng.
Trong trường hợp sinh non, bé sẽ được chăm sóc đặc biệt tại phòng hồi sức sơ sinh để đảm bảo sức khỏe.
Cách phòng ngừa sinh non
- Thư giãn, tránh căng thẳng và giữ bụng luôn ấm.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng hoặc mang vác đồ nặng.
- Quan hệ tình dục nhẹ nhàng và dùng bao cao su để ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Kiểm soát cân nặng để tránh tăng cân quá mức.
CÁC VẤN ĐỀ VỀ NHAU THAI
Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau bám thấp trong tử cung, che một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, khiến em bé khó lọt ra ngoài khi sinh. Nguyên nhân có thể do đã từng mổ lấy thai, sảy thai hoặc phá thai, nhưng đôi khi không rõ nguyên nhân. Dấu hiệu của nhau tiền đạo là ra máu âm đạo nhưng không đau bụng khi gần đến ngày sinh.
Nếu phát hiện tình trạng này, mẹ bầu cần nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động mạnh và kiêng quan hệ tình dục. Mẹ sẽ cần nhập viện sớm để bác sĩ theo dõi và có thể sẽ được chỉ định mổ lấy thai khi thai đủ 37 tuần để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Nhau bong non
Nhau bong non là tình trạng bánh nhau tách khỏi thành tử cung trước khi em bé chào đời. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Nguyên nhân thường gặp là cao huyết áp thai kỳ hoặc chấn thương vùng bụng do té ngã hay va đập mạnh.
Dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Đau bụng dữ dội (bụng cứng như gỗ),
- Ra máu âm đạo,
- Giảm hoặc mất cử động thai nhi.
Nếu xuất hiện các triệu chứng này, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay hoặc gọi xe cấp cứu. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ phải mổ lấy thai khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
ĐA ỐI, THIỂU ỐI
Đa ối và thiểu ối là tình trạng bất thường về lượng nước ối trong thai kỳ. Cuối thai kỳ, lượng nước ối thường khoảng 500ml. Nếu nước ối vượt 1500ml gọi là đa ối, dưới 100ml gọi là thiểu ối. Đa ối có thể do mẹ bị đái tháo đường, nhiễm trùng, hoặc thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Thiểu ối thường liên quan đến suy giảm chức năng nhau thai hoặc bất thường ở thận và đường tiểu của thai nhi. Cả hai tình trạng này đều cần theo dõi chặt chẽ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, việc thăm khám thai định kỳ là vô cùng quan trọng. Những cuộc hẹn thăm khám này giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các bệnh lý có thể xảy ra. Nếu trong quá trình mang thai, mẹ bầu cảm thấy có dấu hiệu bất thường như ra máu, đau bụng dữ dội, hay bất kỳ triệu chứng nào khác, hãy đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn kịp thời. Sự can thiệp sớm từ các chuyên gia sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đặt lịch khám TẠI ĐÂY
Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com