Các loại bệnh nấm thường gặp và cách phòng ngừa

 

Nấm là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý da liễu phổ biến và gây khó chịu cho con người. Các loại bệnh nấm thường gặp có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng khác nhau trên cơ thể, bao gồm da, móng, tóc,… Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu về các loại bệnh nấm thường gặp, cũng như cách phòng ngừa qua bài viết dưới đây.

BỆNH DA DO NẤM SỢI

Bệnh da do nấm sợi (có tên khoa học là dermatophyte) là tình trạng nhiễm nấm nông ngoài da, bao gồm nấm thân, nấm mặt, nấm bẹn, nấm bàn tay, nấm bàn chân. Bệnh thường gặp chủ yếu ở vùng nhiệt đới, tăng số ca mắc khi vào mùa mưa bão. Đặc biệt với những nhà nào có nuôi hoặc tiếp xúc với động vật, người có thể trạng béo và ra nhiều mồ hôi; sử dụng xà phòng có chứa alkaline, thường xuyên đi giày, sử dụng bồn tắm hoặc bể bơi công cộng.

bệnh nấm - bệnh da do nấm sợi

bệnh nấm - bệnh da do nấm sợi ở bàn chân

Nấm sợi dermatophyte gây bệnh ở da gồm 3 chủng: Microsporum, Trichophyton và Epidermophyton.

Triệu chứng của bệnh

Trên da xuất hiện các tổn thương là dát, mảng đỏ, hình tròn hoặc hình nhiều cung, có vảy da, xu hướng lành giữa và lan rộng ra xung quanh, ngứa nhiều. Một số trường hợp có mụn nước hoặc mụn mủ. Tùy từng vị trí tổn thương (mặt, bẹn, tay, chân, thân mình) các triệu chứng có thể khác nhau.

Ngay khi phát hiện các triệu chứng, cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị.

Phòng ngừa

  • Vệ sinh cá nhân, không mặc quần áo ẩm ướt, không dùng chung quần áo.
  • Tránh tiếp xúc với các vật nuôi trong nhà như chó, mèo bị bệnh.
  • Điều trị sớm khi mắc bệnh.
  • Mặc quần rộng, làm khô người sau khi tắm, ủi kỹ quần áo hoặc ga giường, sử dụng bột làm khô tại chỗ; giảm cân đối với người béo phì.
  • Phát hiện và điều trị nấm ở vị trí khác.

>>> Xem thêm bài viết Top 6 bệnh lý thường gặp trong mùa mưa.

NẤM DA ĐẦU, NẤM RÂU, NẤM TÓC

Nấm tóc, nấm da đầu là tình trạng nhiễm nấm nông ở vùng tóc và da đầu, có nguyên nhân thường do nấm chủng Microsporum và Trichophyton.

Nấm tóc chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, ít gặp ở người lớn; dịch tễ thay đổi tùy từng vùng. Ngoài ra, bệnh nấm cũng thường xuất hiện ở vùng nông thôn nhiều hơn thành thị. Bệnh thường mang tính lây truyền và gặp ở các thành viên trong gia đình hoặc bạn cùng lớp học.

Triệu chứng của bệnh

Nấm da đầu, nấm tóc

Nếu nguyên nhân mắc bệnh là do nấm Dermatophytes, biểu hiện triệu chứng tùy thuộc vào hình thức xâm nhập và tồn tại của nấm ở tóc. Gồm 3 dạng:

  • Dạng nội sợi: biểu hiện lâm sàng đa dạng với vảy da, mảng rụng tóc với chấm đen, hình thành kerion. T. tonsurans và T. violaceum là hai nguyên nhân quan trọng của nhiễm nấm nội sợi.
  • Dạng ngoại sợi: lớp biểu bì bên ngoài sợi tóc bị phá hủy. Biểu hiện lâm sàng đa dạng từ mảng bong vảy hoặc mảng rụng tóc kèm viêm từ ít đến nặng, hình thành kerion.
  • Dạng Favus là dạng nặng nhất với các biểu hiện mảng vảy tiết màu vàng, dày chứa sợi và mảng da chết. Khi nhiễm nấm mãn tính có thể gây nên rụng tóc sẹo.

bệnh nấm - nấm da đầu

* Kerion là hậu quả phản ứng quá mức của cơ thể gây biểu hiện mảng mủ, ướt, kèm hình thành các ổ áp xe nhỏ và rụng tóc. Một số bệnh nhân có biểu hiện toàn thân, mệt mỏi, sưng hạch.

bệnh nấm - hình thành kerion

Nếu bệnh nhân bị nhiễm nấm T. tonsurans sẽ không có biểu hiện lâm sàng. Chủng nấm này khi nuôi cấy nấm dương tính, thường gặp hơn ở người lớn, người có tiếp xúc với trẻ bị bệnh.

Đối với trường hợp nhiễm nấm tóc Piedra: có hai dạng chính là Piedra đen và Piedra trắng:

  • Piedra đen: thường biểu hiện nốt màu nâu hoặc đen dọc theo chân tóc, thường bắt đầu dưới lớp biểu bì của sợi tóc và lan rộng ra ngoài. Tóc vỡ, nốt lớn bọc chân tóc.
  • Piedra trắng: cũng bắt đầu bên dưới lớp biểu bì và phát triển thông qua thân tóc gây suy yếu và gãy tóc. Các nốt mềm, ít dính, màu trắng nhưng cũng có thể là màu đỏ, xanh lá cây hoặc màu nâu sáng. Ở những người bị suy giảm miễn dịch, T. beigelii có thể xảy ra nhiễm nấm hệ thống nghiêm trọng với sốt, nấm huyết, thâm nhiễm phổi, tổn thương da (sẩn mụn nước và xuất huyết, hoại tử trung tâm) và bệnh thận.

Nấm râu

Có 2 hình thái lâm sàng

  • Hình thái nông: do Violaceum, T.rubrum gây nên. Sợi râu gãy và bong vảy hoặc khô, không bong, khi nhổ lên chân vẫn bình thường.
  • Hình thái sâu: do T.mentagrophytes gây nên. Tiến triển chậm, các u nhỏ liên kết với nhau tạo thành mảng thâm nhiễm và ăn sâu xuống hình thành các áp xe. Da trên bề mặt viêm tấy, sợi râu rụng hoặc không có, mủ chảy ra qua lỗ chân râu.

bệnh nấm - nấm râu

Phòng ngừa

  • Vệ sinh da đầu, tóc thường xuyên.
  • Giữ khô tóc.
  • Hạn chế trẻ nhỏ chơi với chó, mèo, vật nuôi.

NẤM MÓNG

Một trong những bệnh nấm thường gặp là nấm móng là tình trạng nhiễm nấm vùng móng, bao gồm nấm sợi dermatophyte (gồm 3 chủng nấm Microsporum, Epidermophyton và Trichophyton), nấm mốc và nấm men. Nấm móng là bệnh thường gặp, thường xuất hiện ở người lớn nhiều hơn trẻ em. Bệnh thường gặp hơn ở những người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch, có bệnh lý da nền (nấm da, tăng tiết mồ hôi, vảy nến,…), công việc thường xuyên tiếp xúc với nước.

Triệu chứng của bệnh

Biểu hiện nấm móng do nấm sợi bao gồm: dày sừng dưới móng, trắng móng, mủn móng. Xen kẽ với những vùng sừng hóa và những vùng tách móng, là nơi cư trú của nấm sợi. Bề mặt móng có thể có đốm hoặc khía trắng.

Biểu hiện chia làm 3 nhóm, phụ thuộc vào vị trí xâm nhập của nấm vào móng:

  • Tổn thương ở phần bên và phần xa dưới móng.
  • Tổn thương ở bề mặt móng.
  • Tổn thương ở gốc móng.

bệnh nấm - nấm móng

Phòng ngừa

  • Vệ sinh cá nhân: cắt tỉa gọn gàng móng tay, móng chân.
  • Mang giày tất thoáng rộng, khô ráo, sạch sẽ. Rắc bột tale giày tất khi sử dụng trong quá trình điều trị.
  • Ngay khi có các triệu chứng, cần đến gặp bác sĩ khoa da liễu để được khám và điều trị sớm.

Các bệnh về da liễu, nhất là bệnh nấm thường xảy ra ở các vùng nhiệt đới, tỷ lệ mắc bệnh tăng cao hơn khi bước vào giai đoạn mưa bão, đường xá ngập nước. Vì thế, cần chú ý giữ vệ sinh cơ thể, râu tóc, gội đầu, tắm sạch, cắt tỉa móng tay và móng chân. Giữ đầu tóc và bàn tay, bàn chân luôn được khô ráo, sạch sẽ. Chú ý giữ quần áo, giày, vớ, chăn mền luôn được sạch, phơi phóng khô ráo. Đi khám ngay khi phát hiện có các dấu hiệu nghi mắc bệnh da liễu. Liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn và đặt lịch khám da liễu sớm nhất.

Đăng ký lịch khám để được tư vấn và điều trị phù hợp

    —————————————————

    🏥 BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y TÂN TẠO
    🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
    📱 Đặt lịch khám TẠI ĐÂY 
    🚨 Hotline Cấp cứu 24/24: 0704 911 115
    ☎ Chăm sóc khách hàng: 0272 3769 727
    ☎️ Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
    💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
    🌏 Website: https://benhvientantao.com

    Tin tức khác