Viêm phổi do virus là một căn bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời. Với sự lây lan nhanh chóng và khả năng gây biến chứng nặng, bệnh viêm phổi không chỉ là mối lo ngại cho những đối tượng có hệ miễn dịch yếu mà còn có thể đe dọa tính mạng. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất, giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
VIÊM PHỔI DO VIRUS LÀ GÌ?
Viêm phổi do virus là tình trạng viêm phổi do virus gây ra, dẫn đến tổn thương nặng nề ở phổi và gây suy giảm chức năng hô hấp. Bệnh viêm phổi do virus có thể xảy ra từ mức độ nhẹ cho tới mức độ nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng.
NHỮNG VIRUS NÀO GÂY VIÊM PHỔI?
Một số loại virus thường gây ra viêm phổi bao gồm:
- Virus cúm loại A và B: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi do virus ở người lớn.
- Virus hợp bào hô hấp (RSV): Thường gây viêm phổi ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ.
- Các loại virus khác như: corona, rhino, parainfluenza và adeno…cũng có thể gây viêm phổi.
- Một số virus gây bệnh sởi, thủy đậu và herpes simplex cũng có khả năng gây viêm phổi nhưng hiếm khi xảy ra.
Các virus này lây lan dễ dàng từ người này sang người khác qua các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Virus từ giọt bắn có thể xâm nhập vào người khác qua mũi hoặc miệng. Virus cũng có thể lây lan qua bàn tay khi chạm vào các bề mặt có chứa virus (như nắm cửa, nút bấm thang máy hoặc chơi cùng đồ chơi ở trẻ em) rồi chạm vào mũi hoặc miệng.
TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM PHỔI DO VIRUS
Các triệu chứng thường thấy
- Ho khan, có thể kéo dài;
- Sốt cao kèm theo cảm giác ớn lạnh hoặc rét run;
- Khó thở, nhịp thở nhanh, nông;
- Đau ngực, đặc biệt khi ho hoặc hít thở sâu.
Những dấu hiệu này có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, nhưng mức độ nặng nhẹ có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và độ tuổi.
Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em
Ngoài các triệu chứng viêm phổi chung như ho khan, sốt, khó thở và đau ngực, trẻ em có thể có thêm những dấu hiệu khác như:
- Thở rên: Trẻ có thể phát ra âm thanh rên rỉ khi thở, đặc biệt là khi thở ra.
- Da xanh tái hoặc tím tái: Do thiếu oxy, trẻ có thể bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân.
- Co rút lõm ngực: Khi hít vào, lồng ngực của trẻ có thể lõm vào rõ rệt, dấu hiệu của việc khó thở nghiêm trọng.
- Mệt lả, ít vận động: Trẻ có thể lơ mơ, kém hoạt bát, không còn hứng thú với các hoạt động bình thường.
- Biếng ăn, bú kém: Trẻ nhỏ có thể ăn uống ít hơn, bú mẹ ít hơn so với bình thường.
- Rối loạn tiêu hóa: Một số trẻ có thể gặp tình trạng nôn trớ, tiêu chảy hoặc khó tiêu do bị viêm phổi.
Những dấu hiệu này đặc biệt quan trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì hệ miễn dịch của trẻ còn yếu và các triệu chứng có thể tiến triển nhanh hơn.
Triệu chứng viêm phổi ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi, các triệu chứng viêm phổi do virus có thể khác biệt và thường khó phát hiện hơn so với trẻ em và người trưởng thành. Dưới đây là một số dấu hiệu đặc trưng ở người cao tuổi:
- Ho khan hoặc ho có đờm: Người lớn tuổi có thể không ho nhiều như người trẻ, nhưng ho thường kéo dài và có thể kèm theo đờm.
- Sốt nhẹ hoặc không sốt: Không giống như người trẻ tuổi có thể bị sốt cao, người già đôi khi chỉ sốt nhẹ hoặc thậm chí không sốt, do phản ứng miễn dịch yếu hơn.
- Khó thở, thở gấp: Đây là dấu hiệu phổ biến, người lớn tuổi có thể cảm thấy khó thở hoặc nhịp thở nhanh ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Mệt mỏi và yếu sức: Người cao tuổi dễ bị mệt lả, suy yếu, không còn sức lực để vận động như bình thường.
- Mất phương hướng, lú lẫn: Ở người già, viêm phổi đôi khi dẫn đến tình trạng mất phương hướng, lẫn lộn hoặc thay đổi nhận thức do thiếu oxy cung cấp cho não.
- Chán ăn: Người cao tuổi có thể mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn rất ít.
- Đau ngực: Đau ngực khi hít thở sâu hoặc khi ho cũng là một triệu chứng thường gặp.
Việc chẩn đoán viêm phổi do virus thường dựa trên khám lâm sàng, bao gồm việc nghe phổi, kiểm tra các triệu chứng như ho, sốt và khó thở. Để chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc chụp X-quang ngực nhằm đánh giá mức độ tổn thương ở phổi và loại trừ các nguyên nhân khác.
>>> Xem thêm bài viết Vắc xin Prevenar 13: Phòng bệnh Viêm phổi và các bệnh do Phế cầu khuẩn gây ra.
AI LÀ NHỮNG NGƯỜI DỄ MẮC VIÊM PHỔI VÀ CẦN ĐẶC BIỆT LƯU Ý?
- Trẻ sinh non
- Trẻ mắc phải các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch: hiv, ung thư, đang dùng các thuốc ảnh hưởng đến miễn dịch…
- Mắc bệnh tim bẩm sinh
- Đã từng trải qua cuộc phẫu thuật, ghép tạng
- Mắc phải bệnh phổi trước đó, loạn sản phế quản phổi
- Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi, sưởi ấm bằng than
- Trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ, trường học hoặc có anh chị trong độ tuổi này
- Điều kiện kinh tế, sinh hoạt gia đình kém
- Người lớn tuổi nhiều bệnh nền đồng mắc
- Người sau di chứng tai biến hoặc bệnh nặng nằm lâu, bất động
- Người hút thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…
Các đối tượng này đặc biệt dễ nhiễm bệnh và khi nhiễm dễ diễn biến nặng và nhanh nên cần đặc biệt quan tâm để chủ động phòng ngừa và điều trị sớm để tránh những biến chứng nặng
BIẾN CHỨNG KHI BỊ VIÊM PHỔI DO VIRUS
Hầu hết các trường hợp viêm phổi do virus ở cả trẻ em và người lớn đều có tiên lượng tốt, với khả năng hồi phục hoàn toàn mà không gặp biến chứng hoặc di chứng sau điều trị. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh lý nền hoặc sức khỏe yếu, một số biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Tùy vào loại virus gây bệnh, các biến chứng sẽ khác nhau:
- Viêm phổi do virus cúm: Dễ gây bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến viêm tai giữa, viêm xoang hoặc viêm khí quản. Biến chứng hiếm hơn gồm viêm não, viêm cơ tim và hội chứng Reyes.
- Viêm phổi do RSV: Có thể gây viêm tai giữa, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.
- Viêm phổi do Adenovirus: Biến chứng phổ biến là viêm phế quản tắc nghẽn hoặc hội chứng tăng sắc tố phổi.
TÌNH TRẠNG VIÊM PHỔI KHI NÀO CẦN GẶP BÁC SĨ?
Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, cần đi khám bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
- Khó thở hoặc thở gấp
- Đau ngực
- Sốt cao khó hạ
- Ho ra máu
- Nhịp tim nhanh
- Mệt mỏi cực độ
- Lú lẫn
- Dấu hiệu mất nước: khô miệng, ít tiểu, chóng mặt.
Đặc biệt đối với sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ba mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ để đưa bé khám sớm khi có dấu hiệu bất thường để được bác sĩ thăm khám, hướng dẫn điều trị đúng cách.
CÁCH PHÒNG NGỪA VIÊM PHỔI DO VIRUS
Để phòng ngừa viêm phổi do virus, cả trẻ em và người lớn nên:
- Tiêm vắc xin ngừa cúm, phế cầu và các vắc xin khác nếu cần.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế gần gũi người có triệu chứng viêm hô hấp, nếu phải tiếp cận gần nên đeo khẩu trang và vệ sinh mũi họng, rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc.
- Tăng cường sức khỏe: Ăn uống cân bằng, tập thể dục, ngủ đủ giấc.
- Duy trì môi trường sạch sẽ: Vệ sinh nhà cửa sạch bụi bẩn, lau sạch bằng nước lau sàn nhà, cửa kính,… và sử dụng máy tạo độ ẩm nếu cần.
Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về bệnh viêm phổi do virus với các thông tin về triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa. Liên hệ đến chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn thêm thông tin và đặt lịch khám khi có nhu cầu.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đặt lịch khám TẠI ĐÂY
Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
💌 Email: info@benhvientantao.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com