Rotarix: Vắc xin ngừa tiêu chảy do virus Rota

 

Tại Việt Nam, cứ 2 trẻ em nhập viện vì tiêu chảy thì có 1 trường hợp là do virus Rota gây ra. Tiêu chảy do virus Rota là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến trẻ dễ bị mất nước nặng vì vừa nôn vừa tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Uống ngừa sớm vắc xin ngừa tiêu chảy do virus Rota ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giúp trẻ được phòng ngừa một cách chủ động đối với tiêu chảy cấp do virus Rota. Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu về bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus và vắc xin phòng ngừa qua bài viết dưới đây.

TIÊU CHẢY CẤP DO VIRUS ROTA Ở TRẺ EM

Tiêu chảy cấp do Rotavirus (hay nhiễm trùng ruột do Rotavirus) là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota là một chủng virus dạng vòng, có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G. Trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A là hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em. Nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.

Virus Rota có khả năng sống lâu trong môi trường nước nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, gây ra tiêu chảy nặng, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Theo thống kế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do virus Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ có nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Vì vậy, bệnh thường hay gặp nhiều nhất ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng.

vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota - tiêu chảy cấp do vi rút

Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã xác định virus Rota là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Đây là bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài tới mùa xuân. Khi thời tiết nhiều mưa, lạnh và ẩm ướt. Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 3 và tháng 9. Việt Nam có 56% số trẻ nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm virus Rota. Hàng năm, số trẻ chết do virus Rota chiếm từ 4 – 8% trong tổng số trẻ dưới 5 tuổi bị chết vì mọi nguyên nhân.

Triệu chứng

Trẻ khi bị nhiễm virus Rota có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nôn mửa: Trẻ nôn mửa rất nhiều trước khi tiêu chảy khoảng 6 – 12 giờ và có thể kéo dài 2 – 3 ngày. Triệu chứng này sẽ giảm dần trước khi tiêu chảy xuất hiện.
  • Tiêu chảy: Phân lỏng toàn nước, có thể có màu xanh, đờm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể tiêu phân lỏng hơn 20 lần/ngày.
  • Mất nước: Các biểu hiện của mất nước bao gồm khát nước, khô môi, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, quấy khóc. Đây là biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp do Rotavirus. Có thể dẫn đến khô kiệt do mất nước và mất muối, trụy mạch và tử vong nếu không bù nước kịp thời.
  • Trẻ sụt cân do mất nước, ăn uống kém.
  • Một số trẻ còn có dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi,…

Con đường lây truyền

Bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng. Virus Rota có thể sống trên bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, mặt bàn ghế, tay vịn, trong nước hoặc trên da. Trẻ dễ bị nhiễm virus khi tiếp xúc với nguồn phân của những người đang bị nhiễm. Trẻ em cũng thường bị nhiễm virus qua bàn tay bị nhiễm bẩn của chính mình. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay vào miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh.

vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota - con đường lây truyền

Ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Rotavirus ở trẻ nhỏ như:

  • Trẻ bú bình, ăn uống không vệ sinh: Đồ ăn bị ô nhiễm, bảo quản thức ăn không đảm bảo…
  • Nguồn nước bị nhiễm Rotavirus.
  • Xử lý không đúng phân và chất thải có chứa virus Rota.
  • Không rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Kháng sinh không có tác dụng điều trị. Bù nước qua đường uống và chế độ dinh dưỡng thích hợp vẫn là phương pháp điều trị cơ bản.

VẮC XIN NGỪA TIÊU CHẢY DO VIRUS ROTA – ROTARIX

Hiện nay cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota là vắc xin. Bởi đây là bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ nhỏ. Vì thế trẻ nhỏ cần được uống vắc xin phòng bệnh càng sớm càng tốt.

Thông tin về vắc xin

Vắc xin Rotarix được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học – GlaxoSmithKline (Bỉ). Đây là vắc xin sống, giảm độc lực được chỉ định chủng ngừa cho trẻ từ 6 tháng tuổi phòng tránh nguy cơ nhiễm virus Rota – nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ.

vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota - vắc xin rotarix

Phác đồ và lịch uống

Vắc xin Rotarix (Bỉ) có lịch uống 2 liều liên tiếp cách nhau tối thiểu 4 tuần.

  • Liều 1: Có thể uống sớm lúc 6 tuần tuổi.
  • Liều 2: Cần hoàn thành phác đồ muộn nhất đến trước 24 tuần (6 tháng tuổi).

Lưu ý trước khi uống

Một số lưu ý khi sử dụng vắc xin ngừa tiêu chảy do virus Rota – Rotarix như sau:

  • Không dùng vắc xin cho trẻ có tiền sử lồng ruột, dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa, trẻ bị suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng.
  • Nên hoàn tất phác đồ với cùng một loại vắc xin.

Phản ứng sau khi uống

Vắc xin Rotarix có độ an toàn cao. Tuy nhiên, sau khi uống trẻ có thể hay gặp những phản ứng như:

  • Toàn thân: Rối loạn tiêu hóa và thường tự khỏi sau vài ngày.
  • Nếu đi ngoài phân nước nhiều lần, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước nên khám lại ngay tại cơ sở y tế.

Chống chỉ định

  • Không dùng vắc xin Rotarix cho trẻ đã quá mẫn cảm ở lần uống đầu tiên hoặc với bất kỳ thành phần nào của vắc xin.
  • Không dùng cho trẻ có dị tật bẩm sinh về đường tiêu hóa, vì có thể dẫn đến lồng ruột (như túi thừa Machel).

Thận trọng khi sử dụng vắc xin

  • Nên tạm hoãn việc sử dụng vắc xin nếu trẻ đang bị sốt hoặc rối loạn tiêu hóa và bị nôn trớ. Tuy nhiên trẻ bị cảm lạnh thì vẫn có thể dùng bình thường.
  • Đối với trẻ vừa uống vắc xin cần lưu ý giữ vệ sinh cá nhân như: rửa tay sau khi thay tã…
  • Chưa có dữ liệu về độ an toàn và hiệu lực của vắc xin đối với những trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa. Nên thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng cho các đối tượng này vì vắc xin có thể làm bệnh của trẻ trầm trọng hơn.
  • Chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng trên trẻ mắc bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát hoặc thứ phát (bao gồm nhiễm HIV dương tính).
  • Cũng như các vắc xin khác, đáp ứng miễn dịch có thể không đạt được ở tất cả các trẻ uống vắc xin. Rotarix không ngừa được các trường hợp viêm dạ dày ruột mà không phải do Rotavirus.

Hiện tại, vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota đang lưu hành tại Trung tâm tiêm chủng của Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến Bệnh viện để nhỏ vắc xin Rota cho trẻ. Để được tư vấn và đặt lịch uống vắc xin Rota, khách hàng có thể đăng ký tại đây hoặc liên hệ Hotline 0272 3769 727 để được tư vấn và đặt lịch sớm nhất.

Đăng ký lịch khám để được tư vấn và điều trị phù hợp

    —————————————————

    🏥 BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y TÂN TẠO
    🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
    📱 Đặt lịch khám TẠI ĐÂY 
    🚨 Hotline Cấp cứu 24/24: 0704 911 115
    ☎ Chăm sóc khách hàng: 0272 3769 727
    ☎️ Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
    💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
    🌏 Website: https://benhvientantao.com

    Tin tức khác