Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dengue gây ra, vật thể lây truyền trung gian là muỗi vằn. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Một trong những câu hỏi thường gặp liên quan đến căn bệnh này là trong quá trình điều trị, người bị bệnh sốt xuất huyết có kiêng cử không? Bài viết dưới đây, Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo sẽ chỉ ra những việc cần tránh khi bị sốt xuất huyết.
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM
Không tự ý dùng thuốc hạ sốt
Khi chưa xác định được sốt là triệu chứng của bệnh gì thì không nên tự ý dùng thuốc hạ sốt, nhất là không nên dùng thuốc aspirin hoặc ibuprofen. Trường hợp không mong muốn, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết trở nên trầm trọng hơn, thậm chí là xuất huyết dạ dày nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.
Người bệnh có thể được hạ sốt bằng những cách không sử dụng thuốc như: cho bệnh nhân mặc quần áo mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn ấm lên trán, lau sạch mồ hôi cho người bệnh.
Thuốc hạ sốt chỉ nên dùng sau khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, tuyệt đối không thực hiện các hình thức cạo gió, cắt lễ,… cho bệnh nhân. Bởi việc cạo gió, cắt lễ,… sẽ làm tình trạng chảy máu ở bệnh nhân nặng thêm.
Không ăn các thực phẩm có màu đen, nâu, đỏ
Khi người bệnh ăn hoặc uống các loại thực phẩm, thức uống có màu đen, nâu hoặc đỏ sẽ làm cho phân của bệnh nhân có thể bị nhuộm màu tối, sẽ khó phân biệt với phân có lẫn máu trong trường hợp người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa.
Đôi khi bệnh nhân nôn ra bệnh phẩm có màu đỏ hoặc nâu đen bất thường thì cũng khó phân biệt được đó là màu của thực phẩm hay màu của máu do tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Không uống trà, cà phê, hút thuốc, uống rượu
Tất cả những loại thức uống như trà, cà phê, rượu đều có chứa chất gây kích thích, làm tăng huyết áp, tim đập nhanh và cơ thể trở nên mệt mỏi hơn. Bên cạnh đó, trà đặc còn có tác dụng làm giảm tác dụng của một số loại thuốc hạ sốt. Trong trà cũng có thể chứa một số chất có tác dụng làm tăng nhiệt độ của cơ thể, khiến cho tình trạng sốt trở nên trầm trọng hơn.
Những lưu ý khác trong ăn uống
- Không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ: Dầu mỡ là tác nhân hàng đầu gây ra đầy bụng, khó tiêu. Điều này khiến cho cơ thể người bệnh trở nên ì ạch, mệt mỏi và chậm hồi phục hơn.
- Không ăn hoặc uống đồ ngọt: Việc hấp thụ quá nhiều đường vào cơ thể (kẹo ngọt, mật ong, thực phẩm chứa nhiều đường,…) sẽ khiến các tế bào bạch cầu hoạt động chậm chạp, khả năng diệt khuẩn yếu ớt và bệnh sốt xuất huyết càng lâu khỏi.
- Không ăn đồ cay nóng: Người bệnh sốt xuất huyết dễ gặp phải tình trạng xuất huyết tiêu hóa, trong khi thức ăn cay nóng có thể kích thích niêm mạc dạ dày và ruột, dẫn đến tình trạng viêm loét hoặc làm trầm trọng hơn các vấn đề tiêu hóa hiện có. Mặc khác, đồ cay nóng sẽ làm tăng thân nhiệt và mất nước nhanh chóng. Trong khi người bệnh sốt xuất huyết cần duy trì lượng nước trong cơ thể ổn định.
Hạn chế để muỗi chích
Nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết chính là muỗi vằn truyền virus. Khi đã mắc bệnh tức là nhiều khả năng bạn đang nằm trong vùng bùng phát dịch bệnh. Do vậy, không được để bị muỗi chích, không những bị truyền thêm một lượng virus làm bệnh nặng thêm mà còn làm tăng nguy cơ lây bệnh cho người thân xung quanh.
SỐT XUẤT HUYẾT BAO LÂU THÌ ĐƯỢC TẮM?
Khi bị sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân cảm thấy bứt rứt, khó chịu do cơ thể bị sốt và đổ mồ hôi. Chính vì vậy, nhiều người muốn được tắm gội để giải tỏa nhu cầu vệ sinh thân thể. Tuy nhiên, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý cẩn thận trong việc tắm gội vì có thể khiến cho tình trạng xuất huyết thêm nghiêm trọng. Có thể nhờ người nhà lau người bằng khăn ấm để làm ráo mồ hôi, hoặc tắm nước ấm. Đặc biệt lưu ý không để xảy ra tình trạng té ngã trong nhà tắm giai đoạn giảm tiểu cầu vì sẽ gây ra tình trạng xuất huyết nặng khó cầm, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi nên có sự hỗ trợ của người thân kể cả việc đi vệ sinh để đảm bảo an toàn.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, việc nhận biết và xử lý kịp thời các triệu chứng của sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu như sốt cao không hạ, xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da, cảm thấy lừ đừ, mệt mỏi, hãy đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cũng không kém phần quan trọng. Chỉ có sự chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời mới giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
>>Xem thêm bài viết Bệnh sốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa.
Nội dung bài viết trên đây giải đáp cho câu hỏi sốt xuất huyết có kiêng cử không. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn và đặt lịch khám khi có nhu cầu.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đặt lịch khám TẠI ĐÂY
Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com