Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong những bệnh đường ruột phổ biến nhất. Tuy là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có tác động lớn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, cần hiểu rõ và quản lý tốt căn bệnh này đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH LÀ GÌ?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến, có triệu chứng điển hình là cơn đau thắt bụng tái phát nhiều lần, thay đổi thói quen đi tiêu, cảm giác chướng và khó chịu ở bụng, kèm theo cảm giác khó chịu cho người bệnh. Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở nữ giới hơn so với nam giới, độ tuổi thường gặp từ 20 – 50 tuổi.
Đây là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, tái đi tái lại nhiều lần và khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương thực thể ở ruột.
Phân loại hội chứng ruột kích thích
Có 4 loại hội chứng ruột kích thích dựa trên các triệu chứng của bệnh:
- Hội chứng ruột kích thích thể táo bón.
- Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy.
- Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (có cả tiêu chảy và táo bón).
- Hội chứng ruột kích thích không xác định.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể trực tiếp gây bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên quan giữa dấu hiệu hội chứng ruột kích thích và thức ăn. Vì thế, có thể xem chất lượng và độ an toàn thực phẩm là yếu tố ảnh hưởng lớn đến bệnh.
TRIỆU CHỨNG HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Các triệu chứng có thể tái phát theo chu kỳ không đều. Các triệu chứng có thể sẽ bị kích thích nặng hơn khi người bệnh ở trong trạng thái căng thẳng kéo dài hoặc tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, gây dị ứng cho cơ thể.
Các triệu chứng của bệnh như:
- Đau bụng: Cơn đau không có vị trí nhất định, người bệnh có thể đau dọc theo khung đại tràng, đau nhiều hơn sau khi ăn hoặc đôi khi chưa ăn xong đã có cảm giác đau, khi ăn thức ăn lạ, thức ăn để lâu. Đau thường xảy ra vào buổi sáng, có thể giảm đau sau khi đi tiêu. Người bệnh có thể gặp các cơn đau quặn, đau từng cơn hoặc âm ỉ. Cơn đau tái phát với tần suất ít nhất 1 lần trong tuần và kéo dài trong 3 tháng gần nhất.
- Táo bón hoặc tiêu chảy: Người bệnh gặp tình trạng táo bón <3 lần/tuần, tiêu chảy >=3 lần/ngày, kèm theo hình dạng phân thay đổi từ cục, đặc đến nhầy mềm, lỏng nước.
- Các dấu hiệu khác: Chướng bụng, đầy hơi, chuột rút, mệt mỏi, đau mỏi cơ, rối loạn giấc ngủ, cảm giác đi tiêu không hết phân, trung tiện (xì hơi) nhiều.
Dấu hiệu báo động
Các dấu hiệu nêu ra dưới đây cần đặc biệt chú ý, không nên chủ quan và cần đến bệnh viện khám sớm:
- Người mắc bệnh trên 50 tuổi.
- Có máu trong phân.
- Sút cân ngoài ý muốn.
- Sờ thấy u ở bụng hay trực tràng.
- Có các triệu chứng về đêm như đau bụng, tiêu chảy.
- Thiếu máu.
- Sốt.
- Báng bụng (cổ trướng).
- Tiền sử gia đình có người thân bị ung thư đại tràng hoặc bệnh viêm ruột mạn tính.
Nếu có một trong các dấu hiệu trên bạn cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và kiểm tra một số các cận lâm sàng chuyên sâu nhằm giúp loại trừ một số bệnh nguy hiểm và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (việc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị): ung thư đại- trực tràng….
MỘT SỐ TÁC NHÂN CÓ THỂ KHIẾN BỆNH TÁI PHÁT HOẶC TRỞ NÊN NẶNG HƠN
Một số tác nhân dưới đây có thể khiến bệnh dễ tái phát hoặc trở nên nặng hơn:
- Căng thẳng.
- Rối loạn nội tiết tố: hormone thay đổi bất thường.
- Ăn những loại thực phẩm kém chất lượng, đã bị hư hỏng hoặc không phù hợp với cơ thể của người bệnh gây kích thích dạ dày và ruột già.
- Tiền sử gia đình có người thân mắc các bệnh tiêu hóa. Yếu tố này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng nếu bạn có người nhà có bệnh sử bị hội chứng ruột kích thích, bạn cần chú ý bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa của mình.
PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ RUỘT KÍCH THÍCH
Trong quá trình chẩn đoán lâm sàng, dựa trên các thông tin triệu chứng người bệnh cung cấp, bác sĩ có thể cho người bệnh làm một số xét nghiệm như:
- Nội soi tiêu hóa, có thể lấy mẫu sinh thiết trong quá trình nội soi.
- Thực hiện một số xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, xét nghiệm không dung nạp lactose.
Từ những kết quả xét nghiệm thu được, bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn phương pháp điều trị và cho thuốc uống. Bệnh cạnh đó, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung nhiều chất xơ từ rau củ, trái cây. Đồng thời, hạn chế tối đa các thực phẩm chứa nhiều gluten như lúa mì, yến mạch, ngũ cốc. Đối với những người có kết quả chẩn đoán dị ứng với protein trong các loại thực phẩm này, cần loại bỏ chúng hoàn toàn ra khỏi thực đơn.
PHÒNG NGỪA HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Điều quan trọng nhất trong việc chủ động phòng tránh hội chứng ruột kích thích và các bệnh tiêu hóa khác là chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt. Những lưu ý bạn cần biết để cải thiện chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn:
- Không nên bỏ bữa ăn, ăn uống không điều độ.
- Nên ăn chậm, không nên ăn quá nhanh, tập trung thưởng thức món ăn, không nên vừa ăn vừa nói chuyện hoặc xem sách, điện thoại,…
- Hạn chế ăn thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu, các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.
- Hạn chế uống rượu bia và đồ uống có gas.
- Ăn có kiểm soát các loại trái cây chứa nhiều fructose cao.
Hội chứng ruột kích thích tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Việc nhận biết sớm triệu chứng, áp dụng chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát căng thẳng và duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm thiểu tác động của bệnh. Nếu triệu chứng kéo dài hoặc có dấu hiệu bất thường, bạn nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chủ động chăm sóc hệ tiêu hóa chính là chìa khóa để có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An


💌 Email: info@benhvientantao.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com
