Cách nhận biết cơn gò chuyển dạ sắp sinh như thế nào là câu hỏi thắc mắc của nhiều chị em, nhất là những chị em mang thai lần đầu. Vậy gò bụng liên tục có phải sắp sinh? Khi nào thì những cơn gò đó bắt đầu? Cảm giác của nó ra sao và khi nào đến bệnh viện chờ sanh? Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
CƠN GÒ TỬ CUNG LÀ GÌ?
Cơn gò tử cung là quá trình co thắt – giãn nở của các cơ trong tử cung. Khi tử cung co bóp, mẹ bầu có thể cảm thấy bụng cứng lại và sau đó chuyển trạng thái mềm khi tử cung giãn ra. Các cơn gò tử cung thường xảy ra gần ngày dự sinh. Một số phụ nữ trải qua giai đoạn này sớm, trước tuần 37 của thai kỳ.
Các cơn co thắt khiến cổ tử cung trở nên mỏng dần, giãn nở hoặc mở ra để chuẩn bị cho việc sinh con. Nó cũng giúp đẩy em bé xuống khung chậu của mẹ trong quá trình chuyển dạ; đồng thời kết hợp cùng lúc giữa cơn co tử cung cùng với sức rặn của mẹ sẽ đẩy em bé ra ngoài. Trong thai kỳ, sản phụ có thể gặp một số cơn co thắt tử cung, tuy nhiên để xác định bạn sắp chuyển dạ hay không, bác sĩ sẽ khám và đánh giá dựa trên nhiều yếu tố để xác định là chuyển dạ giả hay chuyển dạ thật.
CÓ NHỮNG LOẠI CƠN GÒ NÀO?
Để biết được gò bụng liên tục có phải sắp sinh, bạn cần nắm bắt rõ những biểu hiện như thế nào là cơn gò sinh lý khi đang mang thai và cơn gò chuyển dạ thật sự. Dựa vào các yếu tố như thời điểm xuất hiện, tần suất và mức độ của cơn gò, có thể chia cơn gò tử cung thành 3 dạng chính bao gồm:
Cơn gò sinh lý (chuyển dạ giả)
Cơn gò sinh lý là những cơn co thắt của tử cung thường xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Ở một số phụ nữ, cơn gò sinh lý xảy ra sớm nhất là vào 3 tháng giữa thai kỳ. Điều này hoàn toàn bình thường và được cho là dấu hiệu cho các cơn co thắt xảy ra khi tử cung chuẩn bị sinh nở.
Thời gian và cường độ các cơn gò sinh lý không đều nhau và xảy ra không thường xuyên. Cho nên sẽ không thể đoán trước được khi nào nó xảy ra, đồng thời những cơn gò này mang đến cho mẹ bầu cảm giác khó chịu nhiều hơn là đau đớn. Không giống như các cơn gò chuyển dạ thực sự, các cơn gò sinh lý không tăng về tần suất, thời gian và cường độ. Chúng sẽ giảm dần và biến mất, chỉ xuất hiện lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Bên cạnh đó, cơn gò sinh lý sẽ không gây giãn nở cổ tử cung. Tuy nhiên cũng có những trường hợp mẹ khó phân biệt được đâu là cơn gò sinh lý hay cơn gò chuyển dạ thật sự. Do đó, nếu nghi ngờ, tốt nhất là mẹ nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán kịp thời. Để giúp bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác, mẹ nên ghi nhớ về thời gian các cơn gò xuất hiện, các dấu hiệu cũng như tần suất cơn đau và các dấu hiệu khác.
Cơn gò sinh non
Thông thường, một thai kỳ đủ ngày đủ tháng sẽ kéo dài khoảng 40 tuần. Các cơn gò xuất hiện bắt đầu từ trước tuần thứ 37 có thể là dấu hiệu cảnh báo sinh non. Do đó, nếu bạn chưa đến tuần thứ 37 của thai kỳ nhưng có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của cơn gò sinh non, hãy gặp bác sĩ để được hướng dẫn và hạn chế các nguy cơ trong thai kỳ.
Cơn gò gây chuyển dạ sinh non thường dẫn đến những thay đổi ở cổ tử cung, bao gồm cổ tử cung mỏng đi và giãn nở cổ tử cung. Các dấu hiệu và triệu chứng về cơn gò sinh non có thể là:
- Đau quặn bụng với mức độ nhẹ, một số mẹ bầu có thể kèm theo tiêu chảy.
- Thay đổi loại tiết dịch âm đạo.
- Cảm thấy có áp lực vùng chậu hoặc vùng bụng dưới.
- Đau lưng liên tục, ít, âm ỉ.
- Các cơn co thắt có thể xuất hiện thường xuyên hoặc không, có thể gây đau.
- Vỡ ối sớm.
Cơn gò chuyển dạ
Đây là một trong những dấu hiệu sắp sinh rõ ràng nhất mà thai phụ có thể cảm nhận được. Đối với nhiều phụ nữ, các cơn co thắt thật sự bắt đầu vào khoảng tuần thứ 38 – 40 của thai kỳ. Các cơn co cũng giúp làm mỏng và giãn nở cổ tử cung để chuẩn bị cho em bé có thể thuận lợi ra ngoài. Các cơn co tử cung này cũng giúp đẩy em bé di chuyển xuống đường âm đạo của người mẹ.
Cảm giác của một cơn co chuyển dạ thực sự được mô tả như một làn sóng. Cơn đau bắt đầu từ mức thấp, tăng dần cho đến khi đạt đến đỉnh điểm và cuối cùng giảm dần. Mẹ bầu có cảm giác cứng bụng khi chạm vào.
Ở các cơn gò chuyển dạ, ban đầu cơn co thắt xuất hiện với tần suất tương đối đều nhau. Sau đó, thời gian xuất hiện các cơn co ngày càng ngắn dần. Ban đầu, tần số thường chỉ là 1-2 cơn co trong 10 phút, mỗi cơn co khoảng 20 giây, nhưng sau đó cách nhau 5 phút, 3 phút, 2 phút. Cho tới giai đoạn chuẩn bị rặn sinh, thì khoảng cách giữa các cơn co thắt chỉ còn 1 phút. Các cơn co thắt thực sự cũng trở nên dữ dội và đau đớn hơn theo thời gian.
Bên cạnh đó, một số dấu hiệu khác cảnh báo chuyển dạ bao gồm:
- Ra dịch nhầy màu hồng ở âm đạo hoặc có máu khi đi vệ sinh.
- Mẹ bầu có thể cảm thấy như em bé đã “tụt xuống” thấp hơn trong bụng.
- Rỉ hoặc vỡ ối.
CÁCH GIÚP MẸ BẦU DỄ CHỊU HƠN VỚI NHỮNG CƠN GÒ TỬ CUNG
Các cơn co thắt diễn ra mạnh mẽ nhất trong giai đoạn chuyển dạ tích cực và giai đoạn chuẩn bị sổ thai. Có một số điều bạn có thể làm để cảm thấy dễ chịu hơn:
- Dùng vòi sen hoặc ngâm mình vào bồn tắm.
- Đi bộ nhẹ nhàng.
- Thư giãn bằng cách nghe nhạc nhẹ.
- Nhờ người thân massage vùng lưng.
- Tập hít thở, các tư thế giúp giảm đau.
Bên cạnh đó, nếu bạn mang thai dưới 37 tuần và bạn đang có những cơn co thắt mạnh, đều đặn mỗi 10 phút một lần hoặc thường xuyên hơn, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.
Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về chủ đề gò bụng liên tục có phải sắp sinh. Thông qua bài viết này, hy vọng bạn có thể phân biệt được giữa gò bụng sinh lý và gò bụng chuyển dạ thật sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay vấn đề nào về thai kỳ của mình, hãy liên hệ ngay đến chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp, tư vấn và đặt lịch khám.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đặt lịch khám TẠI ĐÂY
Y tế cho doanh nghiệp: 0768 999 115 (Điện thoại/Zalo)
💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com