Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp người phụ nữ sau khi sinh con nhanh chóng hồi phục sức khỏe, cũng như có thể sản xuất nhiều sữa để nuôi con trong giai đoạn con còn bú mẹ. Việc xây dựng thực đơn cho mẹ sanh thường luôn là chủ đề được quan tâm hàng đầu. Bài viết dưới đây, Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo sẻ gợi ý một vài thực đơn cũng như cách xây dựng chế độ dinh dưỡng cho mẹ sanh thường. Hãy cùng đọc hết bài viết dưới đây nhé!
MỘT SỐ LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI XÂY DỰNG THỰC ĐƠN CHO MẸ SANH THƯỜNG
Dinh dưỡng cho mẹ sanh thường trong giai đoạn ở cữ đóng vai trò rất quan trọng. Việc lên thực đơn cần phải có sự linh hoạt và phù hợp. Các món ăn trong thực đơn cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho người mẹ, giúp cho nguồn sữa của người mẹ dồi dào và chất lượng cho bé. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không chỉ đủ chất mà còn phải đảm bảo người mẹ không bị tăng cân quá mức.
Dưới đây là một vài lưu ý quan trong khi lên món cho mẹ:
- Bữa ăn cần đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để phục hồi sức khỏe của mẹ và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho con bú: Mẹ sau sinh cần được cung cấp đủ lượng Calories và dưỡng chất. Thực đơn nên bao gồm các loại thực phẩm giàu protein, vitamin, chất xơ và chất béo có lợi cho sức khỏe như cá, thịt, rau xanh, trái cây, hạt, đậu, sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Uống đủ nước: Người mẹ cần uống đủ nước để luôn được cân bằng độ ẩm và cung cấp đủ nước cho sữa mẹ. Uống đủ nước cũng giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất được tốt hơn. Trung bình một ngày, người mẹ cần uống từ 2L – 2,5L nước để đảm bảo đủ lượng nước cho cơ thể. Bên cạnh nước trái cây mẹ có thể bổ sung nước thông qua súp, sữa, nước ép trái cây… trong thực đơn ăn uống.
- Khi nuôi con bằng sữa mẹ, nên hạn chế uống trà, cà phê, nước ngọt bởi đây là những thức uống gây ức chế quá trình tạo sữa, mặt khác còn khiến cho bé bú sữa mẹ bị kích thích quá mức dẫn đến mất ngủ.
- Không nên ăn các loại thực phẩm khó tiêu như thịt nhiều mỡ, thực phẩm chiên xào, nướng, nhiều gia vị và các loại đồ uống ngọt có ga.
- Ăn ít chất béo: Tránh ăn đồ chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc các thực phẩm chứa nhiều chất béo. Điều này giúp tránh tình trạng tăng cân quá mức và giữ cho mẹ được khỏe mạnh.
- Tránh sử dụng các thức ăn có hóa chất và chất bảo quản như: thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ uống có ga và các loại đồ ngọt…
- Xây dựng thực đơn đa dạng món ăn và đổi bữa theo ngày giúp người mẹ cảm thấy ngon miệng hơn.
- Cần chia các bữa ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày (khoảng 4-5 bữa), vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Tham khảo thêm ý kiến tư vấn từ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn chưa có đủ kiến thức dinh dưỡng, cũng như cách xây dựng thực đơn hợp lý cho phụ nữ sau sinh.
- Chú ý đến nguồn gốc thực phẩm, chọn các thực phẩm tươi ngon và xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, nên thực hiện ăn chín uống chín để loại bỏ các vi khuẩn có trong thực phẩm.
- Phụ nữ vừa mới sinh không nên vội vàng áp dụng chế độ giảm cân trong thời gian ở cữ, mà cần ưu tiên lượng sữa cho con bú. Nếu muốn cải thiện vóc dáng, cần cho cơ thể thích nghi dần bằng việc cân chỉnh dần lượng thức ăn nạp vào và vận động nhẹ nhàng mỗi ngày.
GỢI Ý THỰC ĐƠN CHO MẸ SINH THƯỜNG
Nhu cầu dinh dưỡng trong ngày:
- Protein: nhu cầu protein sẽ cao hơn so với người trưởng thành bình thường 20-25g/ngày
- Năng lượng cần được bổ sung thêm từ 550- 625 kcal/ngày
- Lipid: Nhu cầu lipid ở sản phụ là 20-25%, tối đa 30%
- Chất khoáng: Canxi 1,3000 mg/ngày, sắt 24mg/ngày, kẽm 9,5mg/ngày
- Vitamin: Vitamin A 850mg/ngày, vitamin B2 0.5mg/ngày, vitamin C 95mg/ngày, folate 100mcg/ngày.
Dưới đây là gợi ý thực đơn cho mẹ sanh thường cho một tuần, bạn có thể tham khảo:
Thực đơn cho thứ 2
- Sáng: Súp bí đỏ, bánh mì nướng và 1 ly sữa đậu nành.
- Trưa: Cơm trắng, canh rau ngót tôm, gà hấp gừng.
- Tối: Cơm trắng, canh khổ qua nhồi thịt băm, cá da trơn tùy ý.
Thực đơn cho thứ 3
- Sáng: Phở bò, vú sữa, sữa chua.
- Trưa: Canh giò hầm đu đủ, cơm trắng, thịt luộc, trứng gà luộc.
- Tối: Hoa thiên lý nấu thịt băm, cơm trắng, đậu đũa luộc, gà kho gừng.
Thực đơn cho thứ 4
- Sáng: Cháo yến mạch nấu cùng sữa, sữa chua.
- Trưa: Cơm trắng, thịt bò kho, canh hầm cà rốt với sườn heo, trứng luộc.
- Tối: Cơm trắng, canh bí đao nấu xương heo, tôm rang, thịt bò xào.
Thực đơn cho thứ 5
- Sáng: Cháo gà, sữa đậu nành, táo.
- Trưa: Cơm trắng, trứng luộc, tôm luộc, canh đu đủ xanh nấu thịt viên.
- Tối: Cơm trắng, rau súp lơ luộc, gà kho sả, vú sữa.
Thực đơn cho thứ 6
- Sáng: Cơm gạo lứt, táo
- Trưa: Cơm trắng, canh cua rau đay mồng tơi, giò lụa, rau lang luộc.
- Tối: Cơm trắng, canh bí đao nấu tôm, giá xào thịt bò, bí đao luộc.
Thực đơn cho thứ 7
- Sáng: Cơm gạo lứt, canh bí nấu xương.
- Trưa: Cơm trắng, thịt bò kho, canh hoa chuối nấu sườn, trứng luộc.
- Tối: Cơm trắng, canh bí đao thịt băm, tôm đồng rang, thịt bò xào.
Thực đơn cho Chủ nhật
- Sáng: Cháo gà, nước ép táo.
- Trưa: Cơm trắng, bầu luộc, cá diếc kho gừng, đuôi bò hầm thuốc bắc.
- Tối: Cơm trắng, bầu luộc, thịt kho tàu, gà rang gừng, sữa chua tráng miệng.
Trên đây là thực đơn mẫu với những nguyên liệu dễ tìm mua và giàu dinh dưỡng. Bạn có thể tham khảo và xây dựng thực đơn với các món ăn hợp khẩu vị của mình hơn.
Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về chủ đề thực đơn cho mẹ sinh thường. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn có thể xây dựng thực đơn hiệu quả hơn giúp người mẹ mau hồi phục sức khỏe và lợi sữa cho bé bú. Liên hệ đến chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn hoặc khi có nhu cầu đặt lịch khám.
—————————————————
🚩 Lô 10, KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An


💌 Email: info@benhvientantao.com – benhvientantao@gmail.com
🌏 Website: https://benhvientantao.com
